A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả hơn nhờ Lean công nghệ số

Lean công nghệ số giúp doanh nghiệp (DN) may tăng năng suất lao động so với Lean truyền thống từ 10 - 15% trở lên, tùy theo DN và mã hàng. Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp nhà nước "Nghiên cứu, đề xuất mô hình ứng dụng Lean cho doanh nghiệp ngành may trong bối cảnh chuyển đổi theo công nghệ số", do Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội (HTU) thực hiện.

Tăng năng suất lao động

Với mục tiêu xây dựng mô hình ứng dụng Lean cho DN ngành may trong bối cảnh chuyển đổi theo công nghệ số và đào tạo nguồn nhân lực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình tại DN may, đề tài đã được triển khai thí điểm tại 3 DN may gồm: Tổng công ty CP may Bắc Giang LGG, Tổng công ty CP Phong Phú và Công ty CP Quốc tế Phong Phú.

3517-cong-nhan-tyi-tyng-cong-ty-may-byc-giang-nhyp-dy-liyu-vao-hy-thyng-quyn-ly-lean-cong-nghy-sy

Công nhân Tổng công ty may Bắc Giang nhập dữ liệu vào hệ thống quản lý

"Sau 3 tháng triển khai (từ 1/7 - 30/9/2020) năng suất lao động của các DN tham gia thí điểm đã tăng lên tối thiểu 10 - 15% so với áp dụng công cụ Lean truyền thống, đặc biệt tại các công đoạn chuyển đổi sản xuất mã hàng, hướng dẫn rải chuyền... Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy có 12 công cụ của Lean có thể triển khai công nghệ số được. Điều này sẽ mang lại hiệu quả to lớn cho DN", TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng HTU, chủ nhiệm đề tài - cho biết.

Kết quả thí điểm tại các DN cho thấy, nếu như trước đây trong Lean truyền thống, việc chuẩn hóa thao tác đòi hỏi cán bộ kỹ thuật phải tự quay video, sau đó sử dụng phần mềm trong máy tính để phân tích thao tác, loại bỏ các thao tác thừa để tạo ra một video có thao tác tối ưu. Với sự trợ giúp của công nghệ số, máy quay được đặt tự động để quay thao tác của công nhân và truyền trực tiếp hình ảnh về máy tính.

Các video thao tác sau khi được chuẩn hóa sẽ được truyền trực tiếp đến vị trí của công nhân thông qua mạng IoT và máy tính bảng được gắn trực tiếp tại các vị trí may. Như vậy, khi muốn ứng dụng chuyển đổi nhanh trong Lean, DN có thể gửi nhiều video đồng thời đến các vị trí may để hướng dẫn may cho nhiều người. Khi may, công nhân có thể xem lại video bất kỳ lúc nào, hạn chế được các lỗi sai hỏng trong giai đoạn rải chuyền. Nhờ ứng dụng này, thời gian hướng dẫn rải chuyền một bộ phận đã được rút ngắn từ 3 - 4 giờ xuống còn 20 - 30 phút, giảm 2 - 3 cuộc họp hướng dẫn công nhân, rút ngắn thời gian rải chuyền từ 1 ngày xuống còn 2 - 4 giờ, số người hỗ trợ rải chuyền cũng giảm từ 3 - 4 người xuống còn 1 - 2 người.

Nếu như trước đây, việc điều chỉnh thiết bị để chuyển đổi mã hàng chỉ thực hiện được khi máy ngừng hoạt động, thì hiện nay, khi đầu tư máy may kỹ thuật số đã giảm thời gian điều chỉnh thiết bị bình quân 30 - 40 phút/thiết bị xuống còn 1 - 2 phút/thiết bị. Hơn nữa, với sự hỗ trợ của mạng IoT, chế độ may của từng máy theo yêu cầu của mã hàng mới có thể được nạp đồng thời từ máy tính cho nhiều máy may có cùng chế độ - TS. Hoàng Xuân Hiệp cho biết.

Điều kiện cần và đủ để áp dụng

Một trong những công cụ nền tảng của Lean là cải tiến liên tục Kaizen cũng được phát huy hiệu quả tốt hơn khi có sự hỗ trợ của công nghệ số. Khi triển khai Lean công nghệ số tại 3 DN may, HTU đã thiết kế thẻ Kaizen trực tuyến chạy trên nền tảng điện toán đám mây. Kết quả, công nhân có thể ngồi tại vị trí làm việc, nhập tín hiệu đề xuất, hay ý tưởng cải tiến vào hệ thống quản lý qua máy tính bảng được gắn tại nơi làm việc. Các sáng kiến sẽ được lan truyền nhanh đến tất cả bộ phận trong DN. Đồng thời, người quản lý có thể quan sát theo thời gian thực các ý tưởng cải tiến trong DN để xem xét, phê duyệt nhanh chóng. Với công cụ này, người quản lý chỉ cần 1 - 2 ngày thay vì 1 - 2 tuần như trước đây để phê duyệt sáng kiến cải tiến, triển khai, ứng dụng.

Tuy nhiên theo TS. Hoàng Xuân Hiệp, để triển khai Lean công nghệ số thành công cần sự quyết tâm của Ban lãnh đạo DN. Bên cạnh đó, DN may cần chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, tài chính. Theo đó, DN phải đầu tư máy tính bảng được gắn tại các máy may. Mỗi dây chuyền may tối thiểu có 4 - 10 thiết bị may kỹ thuật số, có thể kết nối internet, có cổng USB để truyền dữ liệu; hệ thống mạng IoT, kết nối wifi đến tất cả thiết bị may kỹ thuật số, máy tính bảng và máy tính của các đơn vị chức năng liên quan; phần mềm quản lý Lean công nghệ số....

Nguồn nhân lực để triển khai Lean cũng cần có kỹ năng sử dụng các thiết bị ứng dụng công nghệ số, kỹ năng tiếng Anh tối thiểu để đọc hướng dẫn sử dụng trên thiết bị, máy móc... Đặc biệt, DN phải có đội ngũ chuyên gia tư vấn đồng hành trong quá trình triển khai thực hiện.

Thu Hường

https://congthuong.vn/hieu-qua-hon-nho-lean-cong-nghe-so-146697.html


Nguồn:congthuong.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan