A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệp định TPP Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp

Sáng 1-3, Công ty Cổ phần Truyền thông VMARK phối hợp với Viện nghiên Cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp tổ chức thành công Diễn đàn TPP - Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp, tại hội trường Trung tâm hội nghị Quốc tế - Số 11 Lê Hồng Phong

Sáng 1-3, Công ty Cổ phần Truyền thông VMARK phối hợp với Viện nghiên Cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp tổ chức thành công Diễn đàn TPP - Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp, tại hội trường Trung tâm hội nghị Quốc tế - Số 11 Lê Hồng Phong. Chương trình diễn ra dưới nguồn vốn tài trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PVGas.

Tại hội nghị 
 
Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh bày tỏ tin tưởng rằng, cần phải hiểu rõ luật chơi do các FTA đặt ra và có những bước chuẩn bị thật tốt thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng tốt những cơ hội do các FTA mang lại.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, tự do thương mại mang lại cơ hội thị trường nhưng cũng áp lực cạnh tranh lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng những cam kết mà Việt Nam đã thoả thuận, từ WTO cho đến các hiệp định song phương, đa phương, đều đã tính đến trình độ phát triển của nền kinh tế trong nước và dành thời gian thích hợp cho sự chuẩn bị trong nước. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói: “Để tận dụng tốt những cơ hội do các FTA mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hiểu rõ luật chơi do các FTA đặt ra và có những bước chuẩn bị thật tốt”.

Tại sao Việt Nam tham gia các FTA?

Bàn về lý do Việt Nam đã và cần tham gia các FTA như TPP, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương Lương Hoàng Thái dẫn một nghiên cứu của Hoa Kỳ, cho biết GDP của Việt Nam có sự đóng góp từ thương mại lớn nhất trong khu vực. Việt Nam chỉ đứng sau Singapore về tận dụng tốt các hiệp định FTA.

Bên cạnh đó, ông Lương Hoàng Thái thêm: “WTO hình thành đã thúc đẩy kinh tế toàn cầu, nhưng sân chơi chung với luật chơi chung đó đang gặp cạnh tranh, mất động lực và gặp bế tắc. Vì vậy các quốc gia đang hình thành các sân chơi mới với những luật chơi mới hiện đại hơn, trong đó TPP được nhắc đến nhiều nhất, với quy mô và tiêu chuẩn cao nhất”.

TPP là động lực để thay đổi

Mở cửa thị trường được xem là nội dung quan trọng nhất của TPP, ông Lương Hoàng Thái ví: “Nếu TPP là một cái ô tô thì tiêu chuẩn mở cửa thị trường được coi là động cơ ô tô”. Tuy nhiên, ông Lương Hoàng Thái cũng trấn an: “Lần đầu tiên Việt Nam cam kết về mở cửa mua sắm công, nhưng chúng ta có lộ trình và có những biện pháp bảo lưu để tận dụng ưu đãi tương đối dài trước khi mở cửa”. Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh: “vấn đề là các doanh nghiệp cần tận dụng lộ trình ưu đãi này để hội nhập thành công”.

Ông Thái lưu ý, Việt Nam và các thành viên TPP đã cam kết, nếu các doanh nghiệp Nhà nước của mỗi nước nhận được ưu đãi, mà ảnh hưởng đến sự cạnh tranh và lợi ích của doanh nghiệp các nước khác thì họ có thể kiện chúng ta.

Ông Thái cũng lưu ý các doanh nghiệp trong nước: “Cam kết TPP về bản quyền với nhiều quy định cao, sẽ không cho phép chúng ta gia công những sản phẩm vi phạm bản quyền như trước đây”.

Tuy nhiên, ông Lương Hoàng Thái cũng chỉ ra các lợi thế trong công nghiệp của Việt Nam. Ông nói: “vì các nước cạnh tranh với Việt Nam lại chưa tham gia TPP. Trong khi chúng ta được tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu từ sớm cũng là lợi thế. Ông Thái phân tích, với việc tham gia vào một thị trường lớn, chúng ta có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất một số ngành, bảo đảm giá trị gia tăng có hàm lượng cao hơn, từ đó xây dựng được các ngành sản xuất bền vững và thân thiện môi trường.

Cùng quan điểm này, tiến sĩ Võ Trí Thành cũng phân tích thêm, với việc tham gia các FTA thì không gian chính sách sẽ bị thu hẹp. Ông Thành nói: “Công nghiệp hóa trước kia dựa chủ yếu vào doanh nghiệp Nhà nước thì nay dựa vào doanh nghiệp tư nhân và FDI. Công nghệ đang làm thay đổi cách công nghiệp hóa, thí dụ như IT đang tạo ra hai xu hướng là doanh nghiệp to ra hoặc cá thể hóa doanh nghiệp”.

Tuy nhiên để Việt Nam tận dụng hiệu quả từ TPP, chuyên gia Võ Trí Thành gợi ý: “Muốn học các doanh nghiệp phải bắt tay với những người tốt nhất, có quản trị, công nghệ tốt nhất”. Bên cạnh đó, các hiệp định này tạo ra minh bạch, Nhà nước thay đổi cách quản lý giúp doanh nghiệp giảm chi phí.

Tại diễn đàn, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, cho rằng chúng ta đang dựa vào lao động giá rẻ, chi phí điện nước rẻ, trong khi công nghệ, tri thức lại thiếu. Ông Trần Thanh Hải khẳng định: “Điều này sẽ dẫn đến phát triển không bền vững. Đến một lúc nào đó, lợi thế lao động rẻ sẽ không còn, chúng ta sẽ gặp cạnh tranh từ các nước khác như Myanmar, Campuchia”.

Ông Trần Thanh Hải cũng lưu ý: “Chúng ta thường động viên nhau là cần cù, thông minh, nhưng trong thời kỳ mới thì sự chuyên nghiệp của lao động quan trọng nhất, điều mà chúng ta còn yếu”.

Cuối cùng, ông Trần Thanh Hải cho rằng, Nhà nước đã tham gia TPP nhưng không trực tiếp làm ra của cải, mà chỉ đóng vai trò nâng đỡ cho doanh nghiệp. Ông nói: “Nhà nước giống như đã làm đường mới rộng, nhưng các doanh nghiệp phải dám dấn thân để đi trên con đường đó”.

Ông Trần Thanh Hải thêm: “Quy tắc xuất xứ trong TPP giống như hộ chiếu, chặt chẽ nhưng nếu doanh nghiệp có chuẩn bị tốt, biết tận dụng thì lại là lợi thế so sánh với các nước khác”. Thí dụ, Cam kết trong TPP có một chương riêng cho dệt may với rất yêu cầu cao về xuất xứ là từ sợi phải được làm trong khu vực. Ông nói: “Yêu cầu này tưởng gây khó cho doanh nghiệp dệt may, nhưng lại là lợi thế để chúng ta thu hút được công nghệ và FDI vào”.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan