A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tín hiệu tích cực từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Với thế mạnh về đất đai và thổ nhưỡng, song nền kinh tế nông nghiệp của Kon Tum còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết lợi thế tiềm năng vốn có. Đứng trước yêu cầu thực tế, những năm gần đây, chính quyền địa phương này đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững nhằm phát huy thế mạnh, tạo sự chuyển biến trong sản xuất…

Đơn cử như xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai (Kon Tum), đời sống của người dân ở 11 thôn trong xã còn rất khó khăn vì chủ yếu là công nhân các nông trường cao su, có thu nhập chưa ổn định. Trước thực tế này, để phát triển nông nghiệp nông thôn, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Ia Đal lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu đưa xã nhà đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024. Để đạt mục tiêu đề ra, cùng với sự quan tâm của tỉnh Kon Tum, huyện, Đảng bộ, chính quyền xã quyết liệt triển khai các biện pháp. Trong đó, đặc biệt chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Theo ông Phùng Ngọc Chiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Đal, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Ia Đal lần thứ III đề ra là sẽ đưa địa phương đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024. Bởi vậy, ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Ia Đal đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo hướng bền vững. Trong đó, xác định tập trung thực hiện khâu đột phá là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

tin hieu tich cuc tu tai co cau nganh nong nghiep
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang mang lại hiệu quả to lớn tại Kon Tum

Hiện xã Ia Đal có 63ha lúa, 15ha bắp, 351ha mì, 42ha cà phê, 261ha điều, 9.197ha cao su và 13ha hồ tiêu. Chính quyền địa phương xác định tuyên truyền vận động người dân tiếp tục ổn định, chăm sóc tốt diện tích cây trồng này. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ duy trì, phát triển các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với sản phẩm hàng hóa; mở rộng diện tích các loại cây ăn quả có giá trị. Sẽ tập trung phát triển diện tích các loại cây lấy múi như cam, quýt, bưởi, mít Thái… các loại cây dược liệu như sả, nghệ, đinh lăng… để tạo ra các sản phẩm hàng hóa cho năng suất cao và có thu nhập nhanh cho người dân. Đến nay, ngoài diện tích trồng rải rác trong dân từ trước, địa phương đã trồng tập trung được 5ha các loại cây lấy múi, hơn 6,5ha cây dược liệu vừa xuất khẩu củ vừa chế biến tinh dầu từ các loại lá...

Cùng đó, mục tiêu xã Ia Đal đặt ra, trong năm 2021, phát triển đàn gia súc toàn xã lên 2.770 con, đàn gia cầm các loại lên 19.000 con và hoàn thành việc giao khoán, bảo vệ rừng cho người dân trên địa bàn, để bà con có thêm nguồn thu nhập và tận dụng những khoảnh đất trống, bờ lô, hợp thủy để trồng cỏ chăn nuôi gia súc. Ông Chiến cho rằng, phải quyết liệt ngay mới có thể tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương.

Ông Đặng Văn Phùng, xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) là hội viên cựu chiến binh, song với sự động viên tạo điều kiện của chính quyền địa phương, ông đã phát triển chăn nuôi lợn theo mô hình khép kín.

Ông Phùng chia sẻ, ban đầu chỉ là hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, song hướng đến làm giàu từ mô hình chăn nuôi lợn, ông dành nhiều thời gian tự tìm tòi, tích lũy kiến thức từ sách, báo. Mặt khác, thông qua Hội Cựu chiến binh huyện Tu Mơ Rông, ông được đi thăm nhiều mô hình đã thành công để học hỏi. Dần dà, khi cảm thấy đủ kinh nghiệm, gia đình bắt đầu gây dựng đàn lợn với quy mô lớn. Đến nay, gia đình có trên 100 con heo nái, 600 con heo thịt. Đều đặn mỗi tháng, gia đình xuất khoảng 150 con lợn thịt ra thị trường. Trung bình mỗi năm, mô hình nuôi lợn kép kín mang về cho gia đình trên 1 tỷ đồng lợi nhuận.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum, thực hiện các chủ trương về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong giai đoạn 2013 - 2020, dưới sự chỉ đạo UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị và phát triển theo hướng bền vững. Qua đó, nông nghiệp của địa phương đã có những chuyển biến tích cực, với tốc độ tăng trưởng toàn ngành duy trì ở mức khá, bình quân khoảng 5,1%/năm.

Đặc biệt, quá trình triển khai tái cơ cấu làm thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường xây dựng chuỗi liên kết giá trị… Cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh dần được chuyển dịch theo hướng ứng dụng công nghệ cao và an toàn sinh học. Từ đó, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhất là cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu, mía, mì, dược liệu và cây ăn quả.

Hiện tỉnh Kon Tum có tổng diện tích cây trồng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao là khoảng hơn 8.000ha. Trên địa bàn đã hình thành và đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen (huyện Kon Plông) và đang hoàn thiện thành lập Khu nông nghiệp công nghệ cao Đăk Hà và TP. Kon Tum trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. Xây dựng được 7 cánh đồng lớn với 4 loại cây trồng như: cà phê, mía, ngô sinh khối, lúa nước theo mô hình liên kết sản xuất. Thông qua liên kết sản xuất cánh đồng lớn, các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã được DN cung ứng dịch vụ đầu vào bằng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo định mức, quy trình sản xuất. Sản phẩm được thu mua lại theo giá thị trường và theo giá bảo hiểm mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân.

UBND tỉnh Kon Tum cũng đã công nhận 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông và huyện Đăk Hà và 2 DN nông nghiệp công nghệ cao là Công ty TNHH Việt Khang Nông và Công ty TNHH sản xuất chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát. Đây là 2 DN đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ tự động hóa sản xuất rau, hoa, củ, quả an toàn; cây ăn quả.

Có thể nói, với đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc áp dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đang mang lại hiệu quả đối với nền kinh tế nông nghiệp của địa phương này. Nhất là đối với các sản phẩm chủ lực như cà phê đã áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu sản xuất, chăm sóc và sơ chế, chế biến cà phê với việc áp dụng hệ thống tưới tự động, phun phủ vi sinh, máy sơ chế, phân loại cà phê… Đây là tiền đề thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp theo định hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân, tạo diện mạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương.

Bài và ảnh Thái Hòa

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan