A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP. Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp để hỗ trợ các ngành công nghiệp phục hồi

Cuối tuần qua (từ ngày 17 đến 19/12), Triển lãm Quốc tế Máy móc Thiết bị Công nghiệp tại Việt Nam đã được tổ chức tại TP.HCM. Đây được xem là một sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị tổ chức trong đó có ngành Công thương TP.HCM nhằm tăng cường xúc tiến chuyên ngành công nghiệp, với mục tiêu đẩy mạnh sự liên kết giữa DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ với các DN sản xuất đầu cuối, DN FDI đầu tư vào TP.HCM.

TP.HCM sẽ có chương trình hỗ trợ xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng khép kín

Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, Sở Công thương đã phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu trực tiếp giữa các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ với các nhà đầu tư. Cụ thể, Công ty Techtronic Industries (TTI) – nhà cung cấp hàng đầu thế giới về các sản phẩm công cụ, thiết bị và dụng cụ cầm tay năng lượng, đang đầu tư nhà máy quy mô 650 triệu USD tại khu công nghệ cao TP.HCM cũng đã có chiến lược hợp tác và nội địa hoá hơn 70% với các nhà cung cấp trong nước các sản phẩm như: chi tiết, linh kiện cho ngành điện - điện tử từ sản phẩm đúc áp lực, sản phẩm kim loại gia công cơ khí chính xác, linh kiện điện tử: Motor, bo mạch điện tử… và các linh kiện chi tiết nhựa.

Không chỉ riêng ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, trong thời gian qua, trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên các Hội đồng phát triển ngành công nghiệp thành phố và các đơn vị liên quan, Sở Công thương đã tham mưu UBND TP.HCM xác định tiêu chí và danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP.HCM giai đoạn 2021-2025. Sở Công thương TP.HCM cũng triển khai hoạt động các hội đồng phát triển các ngành công nghiệp TP.HCM; xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa, chế biến thực phẩm thành phố giai đoạn 2020 - 2030.

Trong đó, với ngành cao su - nhựa, Sở Công thương TP.HCM xác định danh mục sản phẩm chủ lực để có giải pháp thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển đúng trọng tâm, trọng điểm; thành lập Trung tâm Nghiên cứu, thí nghiệm và kiểm nghiệm sản phẩm ngành cao su - nhựa đạt chuẩn quốc tế; đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm nhựa tái chế, nhựa phân hủy sinh học, nhựa y tế nhằm nâng cao giá trị gia tăng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Với ngành cơ khí, ngành Công thương TP.HCM cũng đưa ra chương trình hỗ trợ sản phẩm cơ khí và tự động hóa với việc xác định danh mục sản phẩm cơ khí - tự động hóa chủ lực có khả năng cạnh tranh, thay thế sản phẩm nhập khẩu và hình thành một số DN cơ khí mang tầm quốc tế; xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư, chuyển giao công nghệ nhằm hiện đại hóa máy móc, thiết bị và trình độ công nghệ cho các DN của ngành trên địa bàn; hình thành các chuỗi sản xuất, phát triển sản phẩm, phụ tùng cho sản phẩm cơ khí nông nghiệp; ôtô và thiết bị nâng hạ; kết cấu thép, kết cấu hạ tầng giao thông, cầu cảng, đường sắt, metro và ngành chế tạo máy móc thiết bị tự động phục vụ cho các ngành công nghiệp.

Riêng ngành chế biến thực phẩm, ông Vũ cho rằng TP.HCM sẽ có chương trình hỗ trợ xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng khép kín, đồng bộ từ nguyên liệu đến thành phẩm, bảo đảm chất lượng và bảo vệ môi trường trong ngành chế biến thực phẩm; hình thành hệ thống kho lạnh, kho dự trữ phục vụ nhu cầu bảo quản, sơ chế biến nông hải sản, thực phẩm đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; xây dựng và quảng bá một số thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới, nhất là các ngành có lợi thế cạnh tranh (thủy sản, dầu thực vật, sản phẩm từ bột). Bên cạnh đó, Sở Công thương TP.HCM cũng đã trình UBND TP.HCM quy định về chính sách hỗ trợ lãi vay theo Chương trình kích cầu đầu tư và phát triển các sản phẩm thuộc bốn ngành công nghiệp trọng yếu và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025.

“Trong thời gian tới, để hỗ trợ thêm cho các DN xuất khẩu, Sở Công thương TP.HCM tiếp tục phối hợp các hội ngành nghề tổ chức Hội thảo phổ biến và tập huấn chuyên sâu về Hiệp định EVFTA nhằm phổ biến những nội dung trọng tâm của Hiệp định EVFTA, hướng dẫn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ hàng hóa (C/O), thông tin về chỉ số lợi thế so sánh bộc lộ (RCA) của các nhóm hàng hóa Việt Nam nói chung và của thành phố nói riêng so với hàng hóa các nước khi xuất khẩu và thị trường EU...”, ông Vũ cho biết.

Ngọc Hậu

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tp-ho-chi-minh-nhieu-giai-phap-de-ho-tro-cac-nganh-cong-nghiep-phuc-hoi-110073.html


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan