A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ủy ban Thương mại EU thông qua EVFTA và EVIPA với Việt Nam

Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) cùng Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được xem là các hiệp định toàn diện nhất giữa EU và một nước đối tác đang phát triển, với mức độ cam kết sâu rộng, bao quát nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.

Chiều 21/1 (giờ Việt Nam), Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA), Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua nghị quyết đề nghị phê chuẩn EVFTA và EVIPA giữa Việt Nam và EU.

Tỷ lệ phiếu thuận cho 2 hiệp định này được đánh giá là cao nhất so với một số FTA gần đây giữa EU và các đối tác; qua đó cho thấy các nghị sĩ, thành viên EU đánh giá rất cao đối với EVFTA và EVIPA cũng như vai trò, vị thế của Việt Nam bên cạnh quan hệ hợp tác Việt Nam - EU.

Sau khi hiệp định chính thức có hiệu lực, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu với hàng hóa từ EU; phần còn lại sẽ được dỡ bỏ trong 10 năm. Ở chiều ngược lại, EU sẽ giảm hơn 70% thuế với hàng Việt Nam; phần còn lại sẽ được xoá trong 7 năm tiếp theo.

Nếu tận dụng tốt các cam kết về tiếp cận thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và phát triển bền vững thông qua hai hiệp định, Việt Nam sẽ sở hữu cơ hội lớn để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, bên cạnh việc đa dạng hóa thị trường, đối tác cũng như đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Lễ ký kết EVFTA ngày 30/6 tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Hiện, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU trong khối ASEAN, với kim ngạch thương mại hàng hóa đạt 47,6 tỷ EUR và thương mại dịch vụ ở mức 3,6 tỷ EUR/năm, theo thông tin từ Phái đoàn Liên hiệp châu Âu tại Việt Nam.

Xuất khẩu của EU sang Việt Nam (thiết bị máy móc và thiết bị vận tải, mặt hàng hóa chất và sản phẩm nông nghiệp) tăng 5-7%/năm, song thâm hụt thương mại của EU với Việt Nam là 27 tỷ EUR trong năm 2018. EU nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam các thiết bị viễn thông, hàng may mặc và thực phẩm.

Do đó, EVFTA được kỳ vọng sẽ là cú hích lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là với các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng thế mạnh, có nhiều lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Theo một số nghiên cứu, EVFTA và EVIPA sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 4,6%, và xuất khẩu sang EU tăng 42,7% vào năm 2025.

Về phía EU, Ủy ban châu Âu ước tính GDP liên minh này sẽ tăng 29,5 tỷ USD, còn xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.

Với sự ủng hộ cao từ các nghị sĩ INTA, hồ sơ phê chuẩn EVFTA và EVIPA sẽ sớm được trình lên Nghị viện Châu Âu xem xét phê chuẩn trong thời gian tới.

Để EP có thể thông qua EVFTA, Việt Nam phải tham gia thêm 3 công ước của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) liên quan đến quyền của người lao động. Tiếp theo, EP sẽ bỏ phiếu về EVFTA và EVIPA tại phiên họp diễn ra vào tháng 2 ở Pháp.

Khởi Vũ

* Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan