A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài học kinh doanh từ tỷ phú Jack Ma

Chuyên gia Diễn đàn Kinh tế thế giới Martin Sorrell đã phân tích hiện tượng Jack Ma, một nhà sáng lập Alibaba thành công tại Trung Quốc.

Công ty của tôi, WPP, sẽ 30 tuổi vào tháng tới. Mọi chuyện đã thay đổi rất nhiều kể từ năm 1985 khi cùng với đối tác làm ăn khi ấy, tôi đã đầu tư vào hoạt động sản xuất giỏ mua sắm và ấm pha trà.

Nếu phải tóm tắt những thay đổi đó trong một cụm từ, thì đó sẽ là “địa lý và công nghệ”.

30 năm trước, GDP của Trung Quốc chỉ là 300 tỷ USD; giờ đây, con số này là trên 10 nghìn tỷ USD. Cũng 30 năm trước, Tim Berners-Lee vẫn chưa phát minh ra web; giờ đây, Google được cho là thương hiệu có giá trị nhất thế giới.

Phương Tây vẫn phủ nhận quyền lực ngày một tăng của cái gọi là nền kinh tế mới nổi. Nhiều người dường như muốn Trung Quốc thất bại – điều này giống như tự bắn vào chân mình – vì kinh tế toàn cầu cần Trung Quốc để thành công. Một số người lại phàn nàn về việc kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, “chỉ” 7%.

Tôi vẫn tin tưởng thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng. Trung Quốc hiện là thị trường lớn thứ ba thế giới của chúng tôi, chỉ sau Mỹ và Anh, với doanh thu trên 1,5 tỷ USD và 15.000 lao động.

Quan điểm của phương Tây về các hãng công nghệ Trung Quốc thể hiện sự tự mãn sâu sắc và có chút gì đó kẻ cả với câu nói phổ biến là “Tất cả những gì các hãng Trung Quốc làm là sao chép và đánh cắp”. Nhân tiện, đây cũng là câu người ta thường nói về Hong Kong, Nhật Bản và Hàn Quốc. Kinh nghiệm của tôi cho thấy, nhiều giám đốc điều hành người Trung Quốc (CEO) hiểu công nghệ kỹ thuật rõ hơn những người đồng cấp phương Tây.

Vài tuần trước, tôi có tham dự Đại lễ hội Sáng tạo tại Thượng Hải – do Chính phủ Anh tổ chức nhằm giới thiệu các doanh nghiệp Anh với thị trường Trung Quốc. Tại sự kiện này, tôi đã phỏng vấn Jack Ma, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Alibaba, gã khổng lồ của làng thương mại điện tử với vốn hóa thị trường hơn 200 tỷ USD.

Jack Ma là một “rockstar” tại Trung Quốc và ngày càng nổi tiếng hơn tại nhiều nơi khác.

Mục tiêu của Alibaba rất đơn giản nhưng đầy tham vọng. Như lời Jack Ma thì Alibaba muốn trở thành “hạ tầng cho thương mại điện tử tại Trung Quốc”. Hãng này chú trọng vào các doanh nghiệp nhỏ, giúp họ bán hàng thông qua chợ điện tử Taobao, cung cấp dịch vụ tài chính thông qua Alipay và hỗ trợ cả khâu hậu cần thông qua điện toán đám mây và cơ sở dữ liệu.

Hầu hết mọi người đều cho rằng các công ty Trung Quốc không thể và không muốn mở rộng ra quốc tế. Không phải như vậy. “Chúng tôi là một doanh nghiệp Internet khởi nghiệp tại Trung Quốc. Mục tiêu của chúng tôi là giúp doanh nghiệp nhỏ trên phạm vi toàn cầu “, Ma tuyên bố.

Giờ đây mặc dù doanh thu từ thị trường quốc tế của Alibaba chiếm chưa đến 5%, nhưng ông ma muốn con số này phải là 50%.

Châu Âu sẽ là đích đến đầu tiên, tiếp đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Xiaomi – hãng smartphone 4 năm tuổi và được định giá 45 tỷ USD – cũng có tham vọng địa lý tương tự: vươn ra Ấn Độ, Indonesia và Brazil.

Ông Ma đã để mắt đến thị trường Mỹ, nhưng kết luận việc thâm nhập thị trường này quá khó – ít nhất trong ngắn hạn. “Mọi người đều dự đoán chúng tôi sẽ đến Mỹ… Chúng tôi muốn đến Mỹ và giúp nông dân Mỹ cũng như doanh nghiệp nhỏ của Mỹ bán hàng sang Trung Quốc. Nhưng cá nhân tôi nghĩ Alibaba có thể làm được nhiều hơn ở châu Âu so với Mỹ”.

Tuy vậy, Alibaba cũng đã có chỗ đứng vững chắc tại Mỹ thông qua một loạt các hoạt động đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, kể cả Tango, chuyên về video chat và Lyft, chuyên về dịch vụ chia sẻ ôtô. Tính đến tháng 3/2015, Alibaba đã có trung tâm dữ liệu tại Thung lũng Silicon nhằm thu hút khách hàng đám mây.

Dù luôn tôn trọng giới lãnh đạo công nghệ Mỹ, Ma không hề e dè khi nói đến cạnh tranh. Amazon “từng là một mô hình hay trong những năm 1990”; eBay bị cho là “tụt hậu”.

Trả lời các cáo buộc về sao chép, ông Ma cho rằng Trung Quốc đang gia tăng giá trị cho công nghệ toàn cầu, nhưng mới “chỉ bắt đầu”. Jack Ma trừng phạt bất cứ ai trong công ty phàn nàn về việc công nghệ của Alibaba đã bị đối thủ đánh cắp. “Điều đó có nghĩa là chúng ta chưa đủ nhanh. Chúng ta chưa đủ cải tiến. Kẻ thua cuộc luôn nói ‘Họ đánh cắp của chúng ta’. Còn kẻ thắng cuộc nói ‘Tôi chạy nhanh hơn’.”

Nhiều người phương Tây luôn coi các công ty Trung Quốc là mối nguy. Nhưng thay vì lo lắng về những “kẻ xâm nhập từ phương Đông”, nên học Jack Ma cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn và bắt đầu một vài mạo hiểm.

Mối nguy lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong dài hạn là văn hóa thù ghét mối nguy của các công ty. Quá nhiều trong số họ chỉ tập trung vào vị thế của mình thay vì nhìn xa trông rộng, chỉ chăm chăm quản lý chi phí trong khi không đầu tư đủ nguồn lực vào các hạng mục tăng trưởng tốt. Núi tiền mặt toàn cầu, nhàn rỗi trong bảng cân đối, chất cao như núi.

Tăng trưởng ảm đạm, lạm phát thấp nhất từ trước đến nay và các thương hiệu không còn quyền định giá. Do vậy, sáp nhập và củng cố tiếp tục là trò chơi phổ biến – ở mọi lĩnh vực, từ thực phẩm và đồ uống đến xây dựng, dược phẩm và truyền thông.

Tuy nhiên, một điều không thay đổi trong 3 thập kỷ qua sáp nhập giữa các thương hiệu hàng đầu không phải là giải pháp tốt nhất. Lịch sử cho thấy, bất kể vấn đề của mỗi bên thế nào, cái gọi là sáp nhập của những kẻ đồng cấp không phải là giải pháp tối ưu nhất.

Nguồn NCĐT/Business Insider


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan