A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bức tranh ứng dụng gọi xe năm 2018: Uber lui binh, Grab nội công ngoại kích trên mọi mặt trận từ Vinasun tới Now, Go Viet! Người dùng làm "ngư ông đắc lợi"!

Sau thương vụ Grab thâu tóm Uber ở khu vực Đông Nam Á, những tên tuổi mới liên tục xuất hiện tại Việt Nam, đe dọa ngôi vị thống lĩnh của Grab đồng thời đem tới những khuyến mãi hấp dẫn đặc biệt cho người dùng.

[Há» sÆ¡] Bức tranh ứng dụng gá»i xe nÄm 2018: Uber lui binh, Grab ná»i công ngoại kích trên má»i mặt trận từ Vinasun tá»i Now, Go Viet! NgÆ°á»i dùng làm "ngÆ° ông Äắc lợi"!

Là một quốc gia đang phát triển với hơn 90 triệu dân, Việt Nam được đánh giá là thị trường gọi xe tăng trưởng nhanh nhất tại Đông Nam Á (theo Nikkei). Theo nghiên cứu mới nhất của Google và Temasek, thị trường gọi xe Việt Nam đang có quy mô khoảng 500 triệu USD, dự báo sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2025, cán mốc 2 tỷ USD.

Với những sự kiện mang tính bước ngoặt bởi sự xuất hiện cũng như lụi tàn của hàng loạt tên tuổi nội ngoại, 2018 là một cột mốc ghi lại nhiều dấu ấn quan trọng trên thị trường ứng dụng gọi xe tại Việt Nam.

Thương vụ mua bán lịch sử giữa Uber và Grab

Đầu năm 2018, bức tranh ứng dụng gọi xe tại Việt Nam tưởng như đã "yên vị" khi 2 đại gia ngoại Uber và Grab trở thành 2 đối trọng lớn nhất và duy nhất trên thị trường.

Tuy nhiên, như người ta vẫn nói, ngay lúc bình yên chính là trước thềm giông bão.

Những tin đồn Uber "buông" thị trường Đông Nam Á bắt đầu xuất hiện vào đầu năm. Tuy nhiên đến tận cuối tháng 2, CEO Uber Dara Khosrowshahi vẫn một mực phủ nhận. "Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục chịu thua lỗ tại Đông Nam Á và sẽ đẩy mạnh đầu tư mạnh vào đây nhất là những mảng gồm marketing, khuyến mại…", ông Dara Khosrowshahi quả quyết trong chuyến thăm châu Á lần đầu dưới cương vị mới.

Các nhân viên văn phòng cũng như đối tác lái xe của Uber tại Việt Nam vẫn hoàn toàn tin tưởng vào chính kiến đó, cho đến khi tuyên bố chính thức đột ngột được đưa ra vào ngày 26/3.

Theo thông tin báo chí chính thức được phát đi hôm 26/3, Grab cho biết đã thu mua lại toàn bộ dịch vụ đặt xe công nghệ, giao nhận thức ăn tại Đông Nam Á của Uber và tích hợp các dịch vụ này vào nền tảng của mình. Đối lại, Uber nhận được 27,5% cổ phần trong Grab - con số tương ứng với thị phần khi đó của Uber tại khu vực.

Như vậy là sau 4 năm hoạt động và ít nhiều chiếm được thiện cảm của người dùng Việt, Uber đã chính thức chấm dứt hành trình của mình vào tối ngày 8/4, để lại nhiều tiếc nuối cho cả hành khách lẫn các đối tác tài xế. Cùng với đó, rất nhiều lo ngại về bối cảnh "một mình một chợ" của Grab, bởi đối trọng duy nhất là Uber đã rời bỏ cuộc chơi.

[Hồ sơ] Bức tranh ứng dụng gọi xe năm 2018: Uber lui binh, Grab nội công ngoại kích trên mọi mặt trận từ Vinasun tới Now, Go Viet! Người dùng làm ngư ông đắc lợi! - Ảnh 1.

Tài xế Uber ký tên lên đồng phục của nhau - Ảnh: FB David Kaye

Trên thực tế, đứng trên góc độ pháp luật, vụ Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.

Cụ thể, ngày 12/12, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết đã kết thúc quá trình điều tra vụ việc Grab mua lại Uber tại thị trường Ðông Nam Á (trong đó có Việt Nam). Theo đó, Cục xác định việc Grab mua lại Uber đã có dấu hiệu vi phạm gồm "hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Ðiều 20 Luật Cạnh tranh" và "hành vi tập trung kinh tế bị cấm tại Ðiều 18 Luật Cạnh tranh".

Tại thị trường Singapore, hồi cuối tháng 9, Ủy ban cạnh tranh và tiêu dùng Singapore cũng đã phạt Grab và Uber tổng cộng 13 triệu SGD (tương đương 9,5 triệu USD) trong thương vụ sáp nhập của hai công ty này. Tại Việt Nam, Cục cạnh tranh hiện đã chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý theo quy định của pháp luật.

Mảng xe ôm công nghệ: Grab vs Go Viet đấu nhau, xe ôm truyền thống "thất truyền"

Khoảng trống thị phần Uber để lại ở thị trường hơn 90 triệu dân với nhu cầu vận chuyển liên tục tăng nhanh đã thúc đẩy nhiều tân binh mới tham chiến, phá vỡ thế "một mình một chợ" của Grab.

Có thể kể đến một loạt các ứng dụng nội như VATO, TNet, Aber... thậm chí là Mai Linh Bike (ứng dụng xe ôm của taxi Mai Linh). Tuy nhiên chưa có tên tuổi nào đủ tiềm lực về vốn và công nghệ làm đối trọng với Grab. Khoảng thời gian sau khi Uber vắng bóng, giá dịch vụ của Grab cũng "tự động" tăng lên, các khuyến mãi trước đó cũng biến mất dần.

Chỉ đến Go-Viet, dưới sự hậu thuẫn của ông lớn Go-Jek đến từ Indonesia chính thức xuất hiện, thị trường gọi xe trong nước mới chính thức bước vào cuộc chạy đua khuyến mại để kéo người dùng.

Go Viet thí điểm tại TPHCM từ tháng 7. Đến tháng 8, ứng dụng này bắt đầu mở rộng phạm vi ra nhiều quận trên địa bàn thành phố với khuyến mại sốc 5.000 đồng cho chuyến đi dưới 8km. Tới ngày 12/9, Go Viet chào sân Hà Nội khuyến mại sốc hơn: 1.000 đồng cho chuyến đi dưới 6km.

Tại sự kiện ra mắt thị trường Hà Nội, đại diện Go-Viet thậm chí đã tuyên bố đã có trong tay 35% thị phần xe ôm công nghệ tại TP.HCM, 1,5 triệu lượt tải ứng dụng cùng 35.000 đối tác ở cả TP.HCM và Hà Nội chỉ sau 6 tuần chính thức hoạt động tại Việt Nam.

[Hồ sơ] Bức tranh ứng dụng gọi xe năm 2018: Uber lui binh, Grab nội công ngoại kích trên mọi mặt trận từ Vinasun tới Now, Go Viet! Người dùng làm ngư ông đắc lợi! - Ảnh 2.

Số đồng phục mà một tài xế xe ôm công nghệ có thể sưu tập: Mai Linh Bike, Go Viet, Uber Moto và Grab Bike.

Có vẻ như một đối thủ "đồng hương" Đông Nam Á sẽ hiểu khách hàng và Grab hơn đại gia Mỹ như Uber. Sự mạnh tay của Go Viet đã khiến Grab không thể "khoanh tay đứng nhìn". Nhiều chương trình khuyến mại và chính sách hỗ trợ đã được Grab tung ra để giữ chân hành khách và tài xế. Thậm chí, với những khách hàng đã lên hạng cao nhất là bạch kim, Grab không ngại ngần duy trì chính sách khuyến mãi giảm 50% giá cước, giảm giá cước lên tới 20.000-30.000 đồng/chuyến GrabBike,…

Tháng 11 và tháng 12, thị trường ghi nhận sự góp mặt của Nowmoto (dịch vụ chở khách mới do Now cung cấp) và be (ứng dụng được VPBank hậu thuẫn về tài chính). Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, thị trường xe ôm công nghệ gần như là cuộc đua tranh giữa Grab và Go Viet. Cả 2 bên bắt đầu cắt giảm các chương trình khuyến mại cho khách hàng.

Với sự sôi động của các ứng dụng xe ôm công nghệ, nghề xe ôm truyền thống đang ngày càng vắng bóng tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM.

Thị trường xe 4 bánh: Vụ kiện thời 4.0 giữa Vinasun vs Grab; Taxi truyền thống hợp lực để phản kháng

Trong lúc các ứng dụng vẫn đang cạnh khốc liệt để giành thị phần trong mảng xe 2 bánh thì tại mặt trận xe 4 bánh, Grab và Vinasun cũng ở hai đầu chiến tuyến trong một vụ kiện mang tính thời cuộc: một bên đại diện cho hình thức kinh doanh cũ và một bên là kết quả của nền kinh tế chia sẻ.

Vụ kiện được Vinasun đệ đơn từ tháng 6/2017. Theo đó, Vinasun kiện Grab "vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT, gây náo loạn thị trường". Theo nguyên đơn, Grab chỉ đăng ký cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải, nhưng thực tế hoạt động như doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi – lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.

Vụ kiện tụng này kéo dài hơn 1 năm trời với năm lần bảy lượt đưa ra xét xử, phía Vinasun luôn khẳng định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi – lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun, nhưng chỉ đăng ký hoạt động như đơn vị công nghệ. Vinasun cho rằng hoạt động vi phạm pháp luật của Grab đã gây nhiều hệ lụy cho công ty này. Cụ thể, trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 Vinasun bị thiệt hại gần 76 tỷ đồng, trong đó do Grab gây ra là hơn 41 tỷ đồng nên yêu cầu đơn vị này bồi thường.

Về phần mình, Grab nhấn mạnh Grab là đơn vị công nghệ, được Chính phủ công nhận thông qua việc đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Đề án thí điểm. "Grab không thể chịu trách nhiệm cho năng lực cạnh tranh kém của ứng dụng Vinasun và dịch vụ V.Car trên thị trường".

Cuộc chiến tưởng chừng duy trì thế giằng co thì đến 30/11, sau 5 lần được đưa ra xét xử, hai bên bất ngờ đề nghị hội đồng xét xử tạm ngưng phiên tòa để cùng ngồi lại với nhau, nhằm đưa ra phương án hòa giải Vụ kiện được tạm dừng không quá 1 tháng và lịch xét xử sẽ thông báo sau.

[Hồ sơ] Bức tranh ứng dụng gọi xe năm 2018: Uber lui binh, Grab nội công ngoại kích trên mọi mặt trận từ Vinasun tới Now, Go Viet! Người dùng làm ngư ông đắc lợi! - Ảnh 3.

Liên minh Taxi Việt dưới sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) quy tụ 17 hãng taxi với gần 12.000 đầu xe trên cả nước, hợp tác với nền tảng điều vận xe trực tuyến Emddi.

Bên cạnh vụ kiện tụng tốn nhiều giấy mực giữa Vinasun và Grab, thị trường taxi năm nay cũng ghi nhận diễn biến bất ngờ khi lần đầu tiên, các hãng taxi truyền thống liên kết với nhau để tạo đối trọng với các hãng "taxi công nghệ" như Grab, thay vì chỉ treo băng rôn phản đối như trước.

Tại thị trường Hà Nội, liên minh taxi truyền thống với tên gọi G7, dưới sự hợp nhất của 3 hãng lớn là Thành Công, Ba Sao và Sao Hà Nội, đã chính thức ra mắt trong tháng 10. Xác định liên kết để chống lại sự áp đảo của taxi công nghệ mà điển hình là Grab, G7 đưa ra mức giá không chênh lệch quá nhiều so với ông lớn Singapore, thậm chí phần chiết khấu thu từ tài xế chỉ 20%, thấp hơn mức 28,6% của Grab.

Đến giữa tháng 12, một liên minh khác với tên gọi Liên minh Taxi Việt cũng xuất hiện dưới sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). So với G7, Liên minh Taxi Việt hoạt động không chỉ ở Hà Nội mà mở rộng ra các tỉnh thành khác của Việt Nam. Quy mô cũng lớn hơn với 17 hãng taxi tham gia, quy tụ gần 12.000 đầu xe trên cả nước.

Tuy có nhiều khác biệt nhưng điểm chung của cả hai liên minh là đã tích hợp phần mềm công nghệ để tối ưu hóa quá trình gọi xe dù con đường đi có khác nhau: G7 tự xây dựng ứng dụng của riêng mình, còn Taxi Việt hợp tác với nền tảng Emddi.

Sự hợp tác của các hãng taxi truyền thống cho thấy sức ép rất lớn mà các ứng dụng gọi xe công nghệ đã tạo ra trên thị trường. Bên cạnh đó, cũng giống mảng gọi xe 2 bánh, năm 2018 cũng chứng kiến sự xuất hiện nhiều ứng dụng gọi xe (4 bánh) của Việt Nam mang tham vọng cạnh tranh với Grab như VATO, FastGo, TNet... Những áp lực cạnh tranh càng lớn sẽ càng thúc đẩy các bên thay đổi cách thức kinh doanh phù hợp với thời cuộc, cũng như tạo ra nhiều dịch vụ tiện ích hơn đối với người tiêu dùng.

Xu hướng dịch chuyển chéo giữa mảng gọi xe (chở khách) với giao hàng và giao đồ ăn

Năm 2018 cũng ghi nhận sự dịch chuyển không ngừng giữa mảng gọi xe (ride-hailing) và giao đồ ăn (food-delivering), do hai mảng này đều có chung yêu cầu ban đầu về nền tảng công nghệ và mạng lưới tài xế phổ rộng. Khi đã hoàn thành mục tiêu chính, các bên hoàn toàn có thể "lấn sân" sang phía bên kia.

Với Grab, sau khi mua lại Uber Đông Nam Á (bao gồm Uber và Uber Eats), công ty này đã chính thức ra mắt hàng loạt dịch vụ mới, ví như giao hàng Grab Express (giao hàng) hay Grab Food (đặt và giao đồ ăn) tại TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

Với Go-Viet, dù là tân binh trong mảng gọi xe tại Việt Nam nhưng đã nhanh chóng triển khai thử nghiệm mảng giao đồ ăn vào cuối tháng 11, chỉ sau hơn 3 tháng chính thức xuất hiện.

[Hồ sơ] Bức tranh ứng dụng gọi xe năm 2018: Uber lui binh, Grab nội công ngoại kích trên mọi mặt trận từ Vinasun tới Now, Go Viet! Người dùng làm ngư ông đắc lợi! - Ảnh 4.

Ảnh vui: Tài xế áo xanh GrabBike chở bạn áo đỏ Go Viet "đội ké" mũ Uber.

Ở chiều ngược lại, Now (Foody) đang là tên tuổi dẫn đầu thị trường đặt và giao đồ ăn. Với lượng tài xế đông đảo cùng lượng người dùng lớn từ dịch vụ giao nhận đồ ăn ban đầu, Now đã bước đầu mở rộng sang các dịch vụ vận tải khác (xe 2 bánh) như giao hàng (NowShip) hay chở khách (NowMoto). Ngoài đặt đồ ăn, Now giờ đây trở thành nơi có thể đặt hoa, mua thuốc, mua tạp hóa, thực phẩm... Dù vậy, trước áp lực cạnh tranh khốc liệt từ GrabBike và GoBike, Now Moto mới chỉ giới hạn cung cấp dịch vụ xe ôm "sang chảnh" với xe máy đời mới, sản xuất từ năm 2014 trở đi.

Ngoài ra thị trường giao nhận cũng ghi nhận một số tên tuổi khác như Ahamove - một ứng dụng giao hàng nội thành có thị phần lớn tại Hà Nội và TPHCM cũng đã bắt đầu cung cấp dịch vụ giao đồ ăn với vai trò đối tác của Lala (ứng dụng đặt và giao đồ ăn). Hay Loship (của ứng dụng Lozi) cũng đang hướng đến mục tiêu ship mọi thứ được đặt trên Lozi. Tương tự với Now, Lozi cũng bắt đầu từ đặt đồ ăn, nay đã mở rộng sang rất nhiều chủng loại sản phẩm như đặt quần áo, mỹ phẩm, truyện tranh, đồ điện tử, gia dụng…

Có thể nhận thấy, sự chuyển dịch của Now, Grab, Go-Viet, Ahamove hay Lozi... đang ngày càng khẳng định một xu thế lớn trên thị trường hiện nay, khi các bên đều hướng tới mục tiêu trở thành "siêu ứng dụng" cung cấp hầu hết các dịch vụ liên quan đến giao vận tại Việt Nam.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan