A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CEO Got It Hùng Trần: Startup công nghệ Việt đừng tự bó hẹp mình vào một thị trường nhỏ

Nhấn mạnh thế giới công nghệ vốn không có biên giới, ông Hùng Trần, CEO Công ty Got It khuyên các startup công nghệ Việt Nam đừng tự bó hẹp mình vào một thị trường nhỏ mà ngay từ đầu cần có tầm nhìn lớn, làm ra sản phẩm phục vụ cho số đông người dùng.

Ông Hùng Trần, CEO Công ty Got It nhấn mạnh: "Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố chính, quan trọng để giúp cho việc xây dựng được các công ty công nghệ".

"Việt Nam có thể xây dựng được những công ty công nghệ toàn cầu"

Got It là công ty khởi nghiệp công nghệ tại Thung lũng Silicon và đến nay đã đạt được những thành công nhất định với sản phẩm “Nền tảng chia sẻ kiến thức dưới dạng dịch vụ” (Knowledge as a Service - KaaS). Đây là nền tảng chia sẻ kiến thức theo yêu cầu đầu tiên trên thế giới nhằm cung cấp cho người đi làm, học sinh sinh viên, người tiêu dùng các giải pháp tương tác nhanh chóng, cá nhân hoá cho các vấn đề liên quan.

Là một diễn giả sẽ tham gia trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được Bộ TT&TT lần đầu tiên tổ chức vào ngày 9/5/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, theo chương trình, ông Hùng Trần - CEO Công ty Got It sẽ tham luận về việc “Xây dựng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hướng tới thị trường toàn cầu”. Bên cạnh đó, cũng trong phiên chuyên đề 3 “Chính sách và giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam” của Diễn đàn, CEO Công ty Got It Hùng Trần sẽ cùng các nhà quản lý, các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp trao đổi, thảo luận nhằm góp phần tìm ra những định hướng, giải pháp phù hợp nhất cho việc phát triển doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam thời gian tới.

Trước đó, trong chia sẻ tại buổi họp báo giới thiệu Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, từ góc nhìn của công ty công nghệ đầu tiên của người Việt ở Silicon Valley,  vị CEO Công ty Got It đã nhấn mạnh đến đặc thù của các doanh nghiệp công nghệ. Theo ông, các công ty công nghệ phát triển trong thời gian ngắn và có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, phạm vi ảnh hưởng cũng lớn hơn rất nhiều so với các công ty truyền thống.

Ông Hùng dẫn chứng, hơn chục năm trước, chưa ai biết đến Uber, còn hiện doanh nghiệp công nghệ này được định giá hơn 100 tỷ USD. Cũng trong khoảng 10 năm qua, nhiều công ty công nghệ lớn đã hình thành, phát triển và sau khi họ IPO thì giá trị công ty đã rất lớn, có thể kể đến như Facebook, Google hay một số công ty khác. “Khi xây dựng Got It, chúng tôi chú trọng xây dựng đội ngũ giỏi tại Silicon Valley, làm ra sản phẩm được hàng tỷ người dùng trên thế giới sử dụng. Từ kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được những công ty công nghệ toàn cầu”, ông Hùng Trần chia sẻ.

Yếu tố quyết định nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao

Nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất để xây dựng, phát triển các doanh nghiệp công nghệ có thể thành công như hoặc thậm chí là hơn Got It chính là nhân lực, người đứng đầu công ty công nghệ này chỉ rõ: nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố chính, quan trọng giúp cho việc xây dựng được các công ty công nghệ.

Nhận định đội ngũ kỹ sư CNTT Việt Nam vẫn còn có một khoảng cách nhất định so với thế giới, có thể sẵn sàng làm việc khi làm gia công phần mềm nhưng để làm được sản phẩm thì họ còn cần có thêm nhiều kiến thức kỹ năng, CEO Got It đề xuất Chính phủ cần có chính sách để làm sao đào tạo ra được một đội ngũ nhân sự chất lượng cao, đặc biệt là các kỹ sư CNTT tài năng.

Minh chứng cho nhận định của mình, ông Hùng Trần viện dẫn, ở công ty công nghệ, đội ngũ kỹ sư giỏi là đội ngũ nòng cốt. Cách đây mấy năm, khi Facebook mua lại Instagram với trị giá 1 tỷ USD với 14 người, trong đó có 9 kỹ sư. Hay ngay sau đó, Facebook mua WhatsApp với trị giá 19 tỷ USD thì khi đó WhatsApp có chưa tới 60 kỹ sư. “Tất cả các kỹ sư của Instagram hay WhatsApp đều siêu giỏi. Có thể khẳng định rằng để xây dựng được các công ty công nghệ, thiếu lực lượng kỹ sư CNTT giỏi thì doanh nghiệp đừng mơ”, ông Hùng Trần nêu quan điểm.

Với riêng các startup công nghệ Việt Nam, để có thể thành công và có thể đi ra nước ngoài, ông Hùng Trần cho rằng, ngay từ đầu, các doanh nghiệp cần có tầm nhìn lớn, làm ra sản phẩm phục vụ cho số đông, cho tất cả mọi người trên thế giới.  

Theo phân tích của ông Hùng Trần, thế giới công nghệ vốn không có biên giới. Khi doanh nghiệp xây dựng sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường thì tất cả mọi người trên thế giới đều có thể sử dụng sản phẩm đó. Do đó, ngay từ khi bắt đầu thành lập công ty, doanh nghiệp đừng chỉ nghĩ đến việc mình làm sản phẩm này cho thị trường Việt Nam, mà cần luôn nghĩ làm sao nhanh chóng để đưa sản phẩm của doanh nghiệp mình đến được nhiều nơi. Suy nghĩ như thế sẽ giúp doanh nghiệp giải được nhiều bài toán tiếp theo.

“Tầm nhìn, suy nghĩ đó sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể tiến xa hơn, giúp mình có cơ hội xây dựng những công ty lớn. Còn nếu ngay từ đầu mà người sáng lập doanh nghiệp chỉ nghĩ làm ra sản phẩm công nghệ cho một thị trường nhỏ thì toàn bộ suy nghĩ, chiến lược của mình sẽ bị bó hẹp và sau đó sẽ rất khó để có thể tăng trưởng”, ông Hùng Trần nhấn mạnh.

M.T


Nguồn:ictnews.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan