A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiền chi quảng cáo trên Facebook đang chảy ra nước ngoài

Hàng trăm triệu USD của doanh nghiệp, cá nhân ở Việt Nam chi cho quảng cáo trên Facebook, Google đang âm thầm chảy ra nước ngoài.

Tiền quảng cáo trên Facebook vào túi ai?

Anh Nguyễn Hải Nam, chủ một cửa hàng bán quần áo ở phố Phan Văn Trường, quận Cầu Giấy (Hà Nội), hàng tháng phải chi tới hơn 50 triệu đồng để chạy quảng cáo trên Facebook.

“Thường thì các trang bán hàng quần áo online trên mạng xã hội như chúng tôi chi khoảng 50-70% lợi nhuận cho quảng cáo. Chỉ cần lập tài khoản Facebook, Fanpage, có thẻ thanh toán quốc tế, điều kiện về chi phí thanh toán và một vài yêu cầu, ấn nút thì tiền bị trừ trực tiếp từ thẻ visa vào tài khoản quốc tế của Facebook và quảng cáo lập tức được thực hiện”, anh Nam cho biết.

Hiện tại, ở Việt Nam có 64 triệu tài khoản Facebook, với gần 500.000 tài khoản bán hàng qua Facebook, trong đó hơn 100.000 tài khoản thực hiện quảng cáo trên Facebook. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 550 triệu USD. Trong đó, quảng cáo chi cho Facebook chiếm đến 235 triệu USD, Google chiếm 152,1 triệu USD. Tính chung cả Google và Facebook đã chiếm đến 66,7% thị phần quảng cáo Việt Nam trong năm 2018, với doanh thu hơn 387 triệu USD, tương đương 9.000 tỷ đồng. Các thẩm mỹ viện, nha khoa, cửa hàng thực phẩm… chi 25 - 30% doanh thu, thậm chí các cửa hàng bán quần áo, giày dép… chi tới 70 - 80% lợi nhuận cho Facebook.

Năm 2018, chi cho quảng cáo qua Facebook của các doanh nghiệp và cá nhân ở Việt Nam là 235 triệu USD.

Luật sư Nguyễn Bảo Thắng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định, doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo phải là đối tượng xây dựng các sản phẩm quảng cáo hay phát hành quảng cáo. Đối với doanh nghiệp nước ngoài, muốn tiến hành hoạt động thương mại quảng cáo tại Việt Nam, phải tuân thủ Luật Quảng cáo 2012.

Theo khoản 1, Điều 41, Luật Quảng cáo 2012, doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài phải lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Văn phòng đại diện nước ngoài chỉ được phép xúc tiến quảng cáo, không được trực tiếp kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Khi đó, để hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo, doanh nghiệp nước ngoài được hợp tác, đầu tư với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam theo hình thức liên doanh và theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.

“Từ việc Facebook trực tiếp kinh doanh, thu tiền về tài khoản của mình mà không lập văn phòng đại diện, không liên doanh thông qua doanh nghiệp Việt Nam là vi phạm Luật Quảng cáo của Việt Nam”, Luật sư Thắng nhận định.

Facebook cho quảng cáo hàng cấm, “quảng cáo chính trị”

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), ngoài vi phạm trên, Facebook đang cho phép quảng cáo các sản phẩm bất hợp pháp tại Việt Nam như tiền giả, hàng giả, vũ khí, pháo,... một cách công khai mà không qua bất kỳ sự kiểm duyệt nào.

Việt Nam có 64 triệu tài khoản Facebook, với gần 500.000 tài khoản bán hàng qua Facebook.

Đặc biệt, một hành vi vi phạm mới xuất hiện trong những năm gần đây là Facebook cho phép người dùng mua quảng cáo tự do không qua kiểm duyệt nội dung. Các đối tượng có thể mua quảng cáo trên Facebook để đưa những thông tin quảng cáo có mục đích, mang tính định hướng để nói xấu, gây ảnh hưởng, thiệt hại đến cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức... Điều nguy hiểm nhất là Facebook sẽ trở thành một “vũ khí” đắc lực khi những đối tượng thuê quảng cáo nhắm tới một mục đích xấu nào đó.

Một thuật ngữ mới có tên “Quảng cáo chính trị” xuất phát từ chính mạng xã hội này với lượng người dùng khổng lồ.

“Quảng cáo chính trị là một mối nguy hại rất lớn. Tại các dịp quan trọng của Việt Nam như Đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương,... xuất hiện rất nhiều loại quảng cáo với nội dung xuyên tạc, định hướng dư luận. Việc ngăn chặn các quảng cáo trái phép hoàn toàn nằm trong khả năng của Facebook, nhưng họ chỉ làm khi chúng ta gửi báo cáo và thời gian cũng mất rất lâu. Nguyên nhân sâu xa nằm ở việc Facebook sống nhờ quảng cáo nên họ đang gián tiếp tiếp tay cho những hoạt động sai trái này”, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết.

Chặn quảng cáo bất hợp pháp bằng cách nào?

Theo các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam, Chính phủ cần siết lại các quy định để thực thi nghiêm túc Luật Quảng cáo, đặc biệt là yêu cầu doanh nghiệp xuyên biên giới phải kinh doanh quảng cáo thông qua agency trong nước là điểm mấu chốt để các doanh nghiệp trong nước tăng doanh thu về hoạt động quảng cáo.

Doanh thu chín của Facebook đến từ quảng cáo.

“Nếu doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ, mà phớt lờ quy định của pháp luật Việt Nam, tiếp tục hoạt động quảng cáo bất hợp pháp, cần có cả giải pháp về kinh tế và kỹ thuật để buộc họ phải tuân thủ, do các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động xuyên biên giới đều có khả năng tài chính lớn, còn các hình phạt hành chính hiện tại lại không đủ sức răn đe”, luật sư Nguyễn Quang Thành, Văn phòng luật sư Thành Công đề xuất.

Luật sư Nguyễn Bảo Thắng cũng cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần bổ sung quy định cấm thanh toán dịch vụ quảng cáo thông qua hình thức thẻ thanh toán quốc tế. Giới hạn lại chỉ cho phép thanh toán dịch vụ thông qua agency tại Việt Nam hoặc thanh toán thông qua hệ thống thanh toán nội địa để có cơ sở tính thuế và thu thuế.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, đề nghị cùng phối hợp rà soát và có biện pháp ngăn chặn các hoạt động thanh toán cho những sản phẩm dịch vụ bất hợp pháp đối với các nền tảng xuyên biên giới, trong đó có Facebook.

Thu hàng tỷ USD từ “quảng cáo chính trị”

Facebook từng tiết lộ, từ tháng 5-10/2018, mạng xã hội này thu về tổng cộng 256 triệu USD từ việc phân phối khoảng 1,6 triệu mẩu quảng cáo chính trị trên Facebook.

Trong năm 2018, có gần 2 tỷ USD chi cho các mẩu quảng cáo chính trị, các chiến dịch tranh cử rầm rộ trên mạng xã hội và nền tảng số. Cứ 1 USD dành cho việc quảng cáo thì có tới 60 cent rót vào túi Facebook, Twitter, Youtube, Snapchat và Instagram.

Tú Ân
* Nguồn: Báo Đầu Tư


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan