A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khuyến nghị 10 năng lực thiết yếu người lao động cần có trong kỷ nguyên số

Nhấn mạnh quá trình số hóa nền kinh tế đang diễn ra nhanh chóng, chuyên gia Nguyễn Hoàng Hà, đại diện tổ chức Lao động thế giới (ILO) tại Việt Nam đưa ra khuyến nghị về 10 năng lực thiết yếu với người lao động trong kỷ nguyên số.

Trong kỷ nguyên số, các chuyên gia cho rằng, trong quá trình phát triển của mỗi người dân trên toàn cầu, kỹ năng tối thiểu mà mọi người cần được trang bị không chỉ là “Biết đọc, biết viết” mà “Biết số” cũng là một năng lực cơ bản.

Chia sẻ tại hội thảo “Phổ cập hiểu biết số: Tăng cường kỹ năng số cho cộng đồng” mới được Bộ TT&TT chủ trì tổ chức, ông Roshan Bajracharya, đại diện Văn phòng UNESCO Bangkok khu vực châu Á và Thái Bình Dương nhấn mạnh, ngày nay cách thức mọi người sống, học tập, làm việc và truyền thông đã khác biệt nhiều so với một vài thập kỷ trước.

“Sống trong một thế giới số hóa, điều quan trọng là cần đảm bảo mọi người phải có năng lực, hiểu biết số, biết sử dụng những thiết bị để có thể khai thác các lợi ích từ môi trường số... Kỹ năng số được áp dụng trong nhiều ngành nghề khác nhau và có thể giúp chúng ta chuyển đổi nền kinh tế, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”, ông Roshan Bajracharya nói.

Vị chuyên gia này cũng cho biết, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, một trong những ưu tiên của các công ty khi tuyển dụng là tìm kiếm những người có kỹ năng số, đặc biệt là khi họ tìm kiếm nhân sự cho những vị trí liên quan kỹ thuật: “Vì thế, mọi người cần trang bị các kỹ năng số để tìm kiếm cơ hội việc làm, đáp ứng chỉ số số hóa tốt hơn”.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hà, Văn phòng ILO tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo ngày 13/10 về kỹ năng số (Ảnh: T.Anh).

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hà, Văn phòng ILO tại Việt Nam, trong thế giới việc làm, hiện nay ở đâu chúng ta cũng thấy yêu cầu về “số”. Thế giới ngày nay gia tăng kết nối, dẫn đến số hóa nền kinh tế diễn ra nhanh chóng. Theo Pricewaterhouse Cooper, kinh tế số Việt Nam phát triển nhanh nhất khu vực ASEAN trong năm 2020 và được dự báo đạt 52 tỷ USD vào năm 2022

“Theo các nghiên cứu, sáng tạo, làm việc nhóm và lắng nghe chủ động là kỹ năng nghề nghiệp được doanh nghiệp trông đợi nhiều trong thời gian hiện nay, nhất là bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Theo ước tính, khoảng từ 75 - 88% doanh nghiệp cho rằng, lao động trẻ cần sở hữu các kỹ năng này”, ông Nguyễn Hoàng Hà thông tin.

Đặc biệt, đại diện Văn phòng ILO tại Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị về những năng lực số cần thiết để công dân sẵn sàng trong kỷ nguyên số, đó là văn hóa hợp tác, làm việc nhóm, xuyên chức năng; trách nhiệm xã hội (công dân xã hội, ý thức môi trường); văn hóa chuẩn mực (chia sẻ tư duy, bản sắc riêng, các giá trị); đổi mới sáng tạo, quản lý kiến thức; làm việc hiệu quả (tiêu chuẩn hóa, tổ chức lại các quy trình); tin cậy; khả năng phân tích dự đoán, đưa ra quyết định; đòn bẩy công nghệ trong kỷ nguyên số (AI, học máy, Internet vạn vật); khả năng thích ứng, nhanh nhạy; chiến lược - có tầm nhìn, sứ mệnh, mục đích và có kế hoạch thực hiện.

 Theo chuyên gia ILO, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, một trong những ưu tiên của các công ty khi tuyển dụng là tìm kiếm những nhân sự có kỹ năng số (Ảnh minh họa: Anh Tú)

Tại Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định nhân lực số là một trong những yếu tố then chốt để đảm bảo chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, góp phần để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tuy nhiên, theo đại diện Viện Chiến lược TT&TT, hiện nay nguồn nhân lực số tại Việt Nam còn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Theo Sách trắng CNTT-TT năm 2021 do Bộ TT&TT thực hiện, tuy là tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực Công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông có tăng, song mức độ tăng giảm trong từng ngành lại khác nhau. Cụ thể, trong khi lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử và phần mềm tăng nhẹ, số lao động hoạt động trong mảng nội dung số, dịch vụ CNTT lại có xu hướng giảm.

Khâu đào tạo kiến thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức của các bộ, ngành, địa phương còn chưa cao, tính đến cuối năm 2020 đạt khoảng gần 69% với các bộ, ngành và trên 54% tại các tỉnh, thành phố trực thuộc

Tỷ lệ tuyển sinh đại học các ngành CNTT, điện tử viễn thông, an toàn thông tin tại Việt Nam có xu hướng tăng qua các năm. Tuy nhiên, mức độ tăng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường với nguồn nhân lực CNTT.

Đáng chú ý, theo một nghiên cứu của tổ chức IDC, tỷ lệ nhân lực CNTT trên tổng số lao động của Việt Nam ước đạt gần 1%, thấp hơn một số quốc gia mạnh về CNTT như Hoa Kỳ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%).

Đại diện Viện Chiến lược TT&TT cũng cho biết, để giải bài toán phát triển nhân lực số, phổ cập kỹ năng số, Việt Nam triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.

“Ba nhóm giải pháp chính đã và đang được Việt Nam tổ chức thực hiện gồm hoàn thiện pháp luật về thị trường lao động; xây dựng chiến lược phát triển nhân lực số; và rà soát, đề xuất cơ chế chính sách phát triển hệ sinh thái nhân lực số”, đại diện Viện Chiến lược TT&TT thông tin thêm.

Vân Anh


Nguồn:https://ictnews.vietnamnet.vn/chuyen-gia-ilo-khuyen-nghi-10-nang-luc-thiet-yeu-can-co-trong-ky-nguyen-so-5003384.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật