A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Năm 2020: Lợi nhuận 19 tập đoàn, tổng công ty giảm gần 70%

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, năm 2020, các chỉ tiêu tài chính của hầu hết các tập đoàn, tổng công ty đều giảm so với năm 2019, trong đó, lợi nhuận trước thuế của 19 doanh nghiệp ước đạt 21.068,51 tỷ đồng, bằng 32,91% so với năm 2019.

 

Chiều ngày 11/1, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Ủy ban và 19 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT). Đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.

Các chỉ tiêu tài chính của hầu hết doanh nghiệp đều sụt giảm

Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của 19 TĐ, TCT, ông Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban cho biết, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, giá dầu thô giảm sâu kỷ lục và thiên tai bão lũ liên tục, dẫn tới hầu hết các doanh nghiệp (DN) thuộc Ủy ban phải chịu ảnh hưởng tiêu cực nặng nề. Theo đó, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận và đầu tư phát triển của hầu hết các DN đều có sự sụt giảm.

Cụ thể, tổng doanh thu của 19 DN ước đạt hơn 767.844 tỷ đồng, bằng 87,36% so với kế hoạch năm 2020 và bằng 85,72% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế của 19 DN ước đạt 21.068 tỷ đồng, bằng 69,9% so với kế hoạch năm 2020 và bằng 32,91% so với năm 2019. Tổng nộp ngân sách của 17/19 DN ước đạt 56.387 tỷ đồng, bằng 112% so với kế hoạch năm 2020 và bằng 79,3% so với năm 2019.

Một số DN có tỷ lệ tăng trưởng về lợi nhuận so với năm 2019 cao như: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (tăng 41,73% so với năm 2019); Tập đoàn Bưu chính viễn thông (tăng 5,3% so với năm 2019); Tập đoàn Công nghiệp cao su (tăng 5,1% so với năm 2019).

Uy ban

 Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: D.T

Về đầu tư phát triển, ông Hồ Sỹ Hùng cho biết, giá trị thực hiện đầu tư, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư của tất cả các TĐ, TCT đều thấp so với kế hoạch đề ra, do phải giãn, hoãn tiến độ triển khai, thanh toán các dự án để tập trung nguồn lực ứng phó ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các tác động khác.

Một số TĐ, TCT có giá trị thực hiện đầu tư khá như: Tập đoàn Điện lực ước đạt 82.500 tỷ đồng (88,5% kế hoạch); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông ước đạt 9.350 tỷ đồng (85% kế hoạch); Tổng công ty Viễn thông MobiFone thực hiện giải ngân đạt 74%; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ước đạt 10.700 tỷ đồng (68% kế hoạch)...

Các tập đoàn phải làm ăn có lãi, phát triển vốn nhà nước

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ghi nhận những kết quả mà Ủy ban và 19 TĐ, TCT đã đạt được trong năm 2020, nhất là một số kết quả nổi bật như: tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại DN với điểm sáng là thu ngân sách công ty mẹ của 17/19 tập đoàn vượt 12% so kế hoạch đề ra, vốn chủ sở hữu công ty mẹ của 14/19 tập đoàn tăng 0,4% so với năm 2019.

Bên cạnh đó, Ủy ban và các DN đã nỗ lực phê duyệt và triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm, là các cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình lớn có ý nghĩa lớn có tính kết nối lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và dự án Nhà ga hành khách T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, triển khai thử nghiệm kỹ thuật 5G...

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được trên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế của Ủy ban và các DN trực thuộc.

Cụ thể như, việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN vẫn còn chưa tốt; tổ chức triển khai một số chức năng nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu như phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt báo cáo giám sát tài chính, phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh, đánh giá sắp xếp lại DN có nhiều vướng mắc bất cập nên cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn chậm, gây lúng túng cho DN và chưa phát huy được thế mạnh của các DN trực thuộc Ủy ban.

Bên cạnh đó, công tác tái cơ cấu, đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành còn chưa đạt tiến độ so với kế hoạch đề ra. Một số DN chậm phê duyệt chiến lược phát triển, đề án tái cơ cấu. Việc nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động mọi mặt của các DN còn chưa rõ nét; các DN của Ủy ban chưa thể hiện được vai trò chủ đạo, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác trong kỷ nguyên chuyển đổi số...

Từ thực tế đó, chỉ đạo định hướng công tác của Ủy ban và các DN trong năm 2021, Phó Thủ tướng đề nghị, Ủy ban cần thực hiện tốt chức năng đại diện chủ sở hữu tại 19 TĐ, TCT, với mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại DN; chú trọng công tác đầu tư, phát triển DN nhà nước...

Bên cạnh đó, Ủy ban cần hực hiện tốt vai trò chủ sở hữu, không can thiệp vào công việc thuộc thẩm quyền của DN; DN tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

Song song đó, Ủy ban cần chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong giám sát, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của DN; nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, không để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của nhà nước. Đồng thời, cần tiếp tục công việc sắp xếp đổi mới và cổ phần hóa DN với tiến độ nhanh hơn, đảm bảo chất lượng hơn...

“Các TĐ, TCT phải làm ăn có lãi và lãi lớn, đủ sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, thực sự trở thành những tập đoàn kinh tế mạnh, những “quả đấm” lớn của kinh tế Nhà nước. Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh, yêu cầu đặt ra với Ủy ban và các DN là phải bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh./. 

Diệu Thiện

Nguồn: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2021-01-11/nam-2020-loi-nhuan-19-tap-doan-tong-cong-ty-giam-gan-70-98196.aspx

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật