A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển tổ chức tài chính phi ngân hàng: Bền vững là ưu tiên hàng đầu

Hệ thống tổ chức tài chính phi ngân hàng góp phần đa dạng hoá các loại hình và dịch vụ tài chính

 

Các tổ chức tài chính phi ngân hàng (TCTC PNH) là một cấu phần quan trọng không thể thiếu trong hệ thống các tổ chức tài chính nói chung, hệ thống các TCTD nói riêng. Các TCTC PNH đã góp phần đa dạng hoá các loại hình và dịch vụ tài chính cho khách hàng, đặc biệt là cung cấp tín dụng cho các đối tượng khách hàng khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các NHTM, giảm thiểu gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế của các NHTM.

Các TCTC PNH không được phép huy động tiền gửi, cũng không có chức năng thanh toán, thường hướng tới các đối tượng không có lịch sử tín dụng, không có khả năng để tiếp xúc với ngân hàng, thu nhập thấp, thu nhập không ổn định, nên rủi ro cũng lớn hơn so với những cá nhân, doanh nghiệp có lịch sử tín dụng tốt.

phat trien to chuc tai chinh phi ngan hang ben vung la uu tien hang dau
Hệ thống tổ chức tài chính phi ngân hàng góp phần đa dạng hoá các loại hình và dịch vụ tài chính

Tuy nhiên bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cũng nhìn nhận, các TCTD PNH đáp ứng được nhu cầu vay vốn của một phân khúc đối tượng, tránh cho họ tìm tới tín dụng đen. “Cần có chính sách phân bổ tín dụng hợp lý và cân bằng. NHNN cũng nhận thức rất rõ vấn đề này nên đã và đang từng bước tạo dựng nền tảng để các định chế tài chính PNH phát triển bền vững. Trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã có định hướng phát triển cho các TCTC PNH”, bà Hiền cho hay.

Là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về ảnh hưởng phát triển các TCTC PNH tới ổn định tài chính ở Việt Nam, PGS.TS Kiều Hữu Thiện - Giám đốc Trường Đào tạo Vietcombank chia sẻ, nhóm nghiên cứu đã xây dựng Chỉ số ổn định tài chính (FSI) dựa trên 3 chỉ số thành phần, kết quả đánh giá cho thấy giai đoạn 2010-2015 có nhiều bất ổn nhưng từ năm 2016 thì tình hình ổn định tài chính có nhiều chuyển biến tốt, đặc biệt năm 2018 có chỉ số ổn định tài chính đạt giá trị cao nhất.

Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra những rủi ro, hạn chế của các TCTC PNH như việc quy mô của các định chế tài chính PNH nhỏ hơn so với các nước trong khu vực, phát triển thiếu ổn định, nhiều giai đoạn biến động mạnh; cơ cấu vốn nền kinh tế chưa hợp lý, chủ yếu dựa vào hệ thống NHTM nên chưa đáp ứng tốt nhu cầu vốn của các thành phần kinh tế; năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và tài chính của các trung gian tài chính còn hạn chế... Một trong các yếu tố cũng được nhắc tới là cơ sở hạ tầng tài chính, hành lang pháp lý vẫn còn những lỗ hổng cần hoàn thiện để hỗ trợ hiệu quả hơn cho sự an toàn và lành mạnh của các trung gian tài chính PNH.

PGS.TS Kiều Hữu Thiện và nhóm nghiên cứu cũng nêu ra một số trọng tâm trong định hướng quản lý TCTC PNH, theo đó cần cơ cấu lại hoạt động của các TCTD PNH thực hiện theo hướng coi trọng phát triển cả về quy mô và chất lượng; nâng cao năng lực quản lý rủi ro, tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra; các giải pháp phải đồng bộ, toàn diện với kế hoạch và lộ trình cụ thể, thận trọng, công khai, minh bạch và kịp thời nắm bắt cơ hội, thách thức từ tác động của cuộc CMCN 4.0 để định hướng hoạt động của các nhóm ngành TCTC PNH…

TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, hiện nay, quy định pháp lý cho hoạt động của các mô hình TCTD PNH chưa đầy đủ, chưa khuyến khích hay tạo thuận lợi cho mô hình này trong cạnh tranh với NHTM. Bởi vậy để hệ thống TCTC PNH phát triển thuận lợi, ổn định, có điều kiện tăng cường nguồn lực tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực… tạo nền tảng chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới thì phải tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hệ thống TCTC PNH.

Trong đó, chuyên gia này cũng cho rằng bên cạnh những chính sách về thuế, tăng cường năng lực hoạt động, kiểm tra giám sát, thì cần thiết ban hành những quy định pháp lý về ngân hàng số, Fintech, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới… nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc kết nối, chia sẻ giữa NHTM, Fintech và các TCTD PNH… “Việc thực thi Chiến lược tài chính toàn diện, chú trọng cấu phần giáo dục tài chính cũng sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về tài chính toàn diện cũng như tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, giảm thiểu tệ nạn tín dụng đen”, TS. Lực nêu ý kiến.

Với các TCTC PNH, theo chuyên gia, bắt buộc phải đặt vấn đề nâng cao năng lực tài chính, trong đó chú trọng tăng nguồn vốn hoạt động. Bên cạnh việc tận dụng nguồn vốn từ công ty mẹ, cần tìm cách phát hành trái phiếu, vay vốn của TCTD khác, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật. Đi cùng với đó là tăng cường quản trị rủi ro, chú trọng đầu tư vào công nghệ thông tin, tăng năng lực quản trị điều hành, kiểm tra, giám sát nội bộ, kiện toàn hệ thống kỹ thuật quản lý hồ sơ khách hàng.

Đặc biệt các TCTD PNH phải tập trung hoàn thiện hệ thống quản lý nợ, đánh giá nợ sớm, giám sát từ xa, thu hồi nợ chặt chẽ, đảm bảo quản lý hồ sơ khách hàng và minh bạch thông tin tốt hơn. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn đạo đức nghề nghiệp cũng được giới chuyên gia nhấn mạnh. Tuyển dụng cán bộ đủ điều kiện trình độ chuyên môn, tạo điều kiện cho cán bộ được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ được giao; tăng cường công tác giám sát cán bộ trong khâu tuyển dụng, sau tuyển dụng và định kỳ…

Khuê Nguyễn

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/phat-trien-to-chuc-tai-chinh-phi-ngan-hang-ben-vung-la-uu-tien-hang-dau-112746.html


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan