A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quyết liệt thực hiện các giải pháp phát triển hệ thống an sinh

 Chiều 4/11, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã chủ trì giao ban kết quả 9 tháng năm 2021 và nhiệm vụ những tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP; Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP; Thành viên Ban Chỉ đạo và lãnh đạo đại diện các Sở, ngành của thành phố.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho biết, 9 tháng của năm 2021, nhiều chính sách đặc thù quan tâm, chăm lo đến đời sống Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội đã được ban hành.

Toàn thành phố giải quyết việc làm cho 116.912/160.000 lao động, đạt 73% kế hoạch năm; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 89,7% dân số (chưa bao gồm lực lượng vũ trang); Tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 55.000 người, số tiền hỗ trợ là 1.300 tỷ đồng; Tư vấn giải quyết việc làm cho 51.000 người; Hỗ trợ học nghề cho 1.220 người với số tiền hỗ trợ là 3,84 tỷ đồng.

Đặc biệt, 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; 100% hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện; Trợ cấp hằng tháng cho 1.558 đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo; 699 người già yếu, mắc bệnh hiểm nghèo thuộc hộ nghèo theo quy định.

Tính đến ngày 30/9, nguồn vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố với số tiền 11.180 tỷ đồng…

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên một số chỉ tiêu của Chương trình số 08-CTr/TU kết quả đạt còn thấp (7/27 chỉ tiêu) như: Chỉ tiêu giải quyết việc làm; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội; Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; Số giường bệnh/vạn dân; Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia chương trình sữa học đường (bị ảnh hưởng do học sinh học trực tuyến).

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà kiến nghị cần tăng cường y bác sĩ về tuyến cơ sở và phải có cơ chế đặc thù để tuyển dụng bác sỹ về các trạm y tế xã, phường, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Với chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch bệnh, đồng chí nhấn mạnh cần phát triển mạng lưới trạm y tế lưu động để chia sẻ với hệ thống cơ sở y tế trên địa bàn; Cùng với đó phát triển các trạm y tế cố định để đảm bảo tiêu chí của Bộ Y tế và phù hợp với Bộ tiêu chí quốc gia.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận hội nghị

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận hội nghị

Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương, đây là chương trình có phạm vi lớn, liên quan đến nhiều Sở, ngành, địa phương và đối tượng thụ hưởng trực tiếp là Nhân dân. Vì vậy, cần làm tốt công tác tuyên truyền hơn nữa và phải đặt Nhân dân là trung tâm và chủ thể thực hiện của chương trình; Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát… Triển khai các nhiệm vụ một cách thực chất, tạo dấu ấn của nhiệm kỳ 2020-2025.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục quán triệt sâu sắc các nhiệm vụ, mục tiêu, đề xuất các giải pháp để nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đề ra. Mỗi Sở, ngành, địa phương cần đánh giá tình hình của đơn vị, từ đó kiến nghị giải pháp cụ thể, nhất là các chính sách phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.

Ban Chỉ đạo và các Sở, ngành, địa phương thực hiện tốt các chỉ tiêu thành phần, trong đó cần rà soát, thúc đẩy việc thực hiện các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe Nhân dân, chuẩn bị Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cho người dân…

Đối với những chỉ tiêu khó khăn, còn vướng mắc, nhất là các dự án liên quan đến đầu tư công, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Sở, ngành tham mưu UBND thành phố khẩn trương tháo gỡ, triển khai theo kế hoạch.

Riêng đối với việc tiếp nhận các bệnh viện Trung ương về Hà Nội, Sở Y tế cần tham mưu thúc đẩy sớm; Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần rà soát thực tiễn hoạt động của các trung tâm bảo trợ xã hội, đề xuất Ban Chỉ đạo các công trình cấp bách để bổ sung kế hoạch triển khai.

“Chương trình số 08-CTr/TU có diện bao phủ rộng, vì thế, yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo cần tập trung, quan tâm ở mức cao nhất, bám sát kế hoạch, định lượng công việc của từng tháng để triển khai”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Hạnh Nguyên


Nguồn:https://tuoitrethudo.com.vn/quyet-liet-thuc-hien-cac-giai-phap-phat-trien-he-thong-an-sinh-182096.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan