Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần Truyền thông V-MARK, các tổ chức USADI, Konrad, các đại sứ quán Nhật Bản và Úc tại Việt Nam cùng các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương tổ chức.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho biết, đảm bảo an ninh năng lượng là một trong những điều kiện quan trọng hàng đầu cùng với đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo an ninh quốc phòng làm nền móng để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thực tế cho thấy, nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng cao đã gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn hạn hẹp.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt đã và đang đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của đất nước; tuy nhiên năng lượng hóa thạch là nguồn năng lượng không tái tạo, việc sử dụng nhiều năng lượng hoá thạch làm gia tăng hiệu ứng nhà kính dẫn đến biến đổi khí hậu, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các nguồn nhiên liệu hoá thạch hiện nay đang dần dần cạn kiệt; vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế, có khả năng tái tạo và khắc phục được các hạn chế nêu trên như các dạng năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt hay năng lượng sinh khối, năng lượng sinh học là một nhu cầu tất yếu.
Phát triển năng lượng xanh ngày nay đang là xu thế mới, làm thay đổi khá nhanh chóng cơ cấu ngành năng lượng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã khẩn trương xây dựng và thực thi các chiến lược, chính sách để phát triển năng lượng xanh với tầm nhìn dài hạn. Trong khi đó, Việt Nam, được đánh giá có cường độ bức xạ cao, nhất là tại các khu vực Duyên hải Miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đồng thời, theo các số liệu khảo sát ban đầu chúng ta đã phát hiện ra nhiều cánh đồng gió tiềm năng với lưu lượng và vận tốc gió lớn tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu. Việt Nam còn là nước có cơ cấu ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng khá cao, các phụ phẩm từ những ngành này hàng năm rất lớn…
"Đây là những nguồn tài nguyên có nhiều tiềm năng, có lợi thế so sánh để làm cơ sở để phát triển ngành năng lượng xanh ở Việt Nam. Để phát huy được những tiềm năng và lợi thế này, chúng ta cần sớm xây dựng những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, đón đầu để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ năng lượng xanh; khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển năng lượng xanh với giá hợp lý; tăng dần tỷ lệ năng lượng xanh trong tổng sản lượng và tiêu dùng năng lượng quốc gia" - ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế 2018 chiều nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chúc mừng những kết quả đạt được của nền kinh tế trong năm qua với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất Châu Á và toàn cầu. Việt Nam đã đẩy mạnh cải cách kinh tế, công khai minh bạch môi trường kinh doanh, qua đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư và cộng đồng DN tạo ra một sinh khí mới cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận rằng nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong trung và dài hạn. Trong đó một thách thức quan trọng là làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững, nhờ đó vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Tại hội nghị toàn quốc Chính phủ và địa phương vừa qua, Thủ tướng đã đưa ra yêu cầu đó là nền kinh tế tăng trưởng trên mức Quốc hội thông qua nhưng phải đi liền với chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động cao hơn, các chỉ số môi trường cải thiện rõ rệt hơn, phải có chuyển biến về năng lực cạnh tranh, an ninh an toàn hơn, mọi người dân nhất là người nghèo người yếu thế phải có cuộc sống tốt hơn cả về vật chất và tinh thần.
Chính phủ hiện nay rất cầu thị và mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia trong nước và quốc tế.
"Tôi đánh giá cao ban kinh tế TW đã chủ trì diễn đàn kinh tế Việt Nam rất đúng lúc. Đây là diễn đàn hết sức quan trọng để những người làm chính sách, cơ quan quản lý TW địa phương cùng thẳng thắn trao đổi ý kiến và chia sẻ quan điểm về thực trạng nền kinh tế VN, đề xuất giải pháp giúp Chính phủ tháo gỡ nút thắt và thúc đẩy các động lực tăng trưởng để đạt mục tiêu đề ra".
Sau 30 năm đổi mới, VN đã đạt được những thành tựu to lớn, nền kinh tế Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường năng động hội nhập mạnh mẽ, là điểm đến hấp dẫn nhất của khu vực và thế giới. "Chúng ta không được chủ quan, và thỏa mãn với kết quả đạt được, không được phép quán tính của cỗ máy phát triển dừng lại. Trong thời gian tới chúng ta cần kiên trì theo đuổi mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng của năng suất và sáng tạo, không dựa vào tài nguyên và nguồn nhân công giá rẻ, đặc biệt trong bối cảnh dân số vàng của ta chỉ kéo dài 2 thập niên nữa và bối cảnh quốc tế cạnh tranh gay gắt".
"Quan trọng là làm thế nào để tăng trưởng vừa nhanh vừa bền vững", Thủ tướng trăn trở. Đây là 2 mục tiêu mâu thuẫn nhau nhưng các nước xung quanh ta đã đạt được như Nhật Bản, Hàn Quốc, họ đã làm gì, VN cần thực hiện 2 mục tiêu này như thế nào.
Các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học tại Diễn đàn kinh tế đã chỉ ra 3 đòn bẩy để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững đó là (i) Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hoá; (ii) cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cải cách quản trị rủi ro trong tín dụng, thương mại và đầu tư; (iii) phát triển năng lượng sạch và phát triển bền vững. Các ý kiến này giúp Đảng và Chính phủ tìm ra những sáng kiến những chính sách thúc đẩy phát triển nhanh.
"Tăng trưởng và phát triển là cuộc đua maraton đường trường chứ không phải cuộc đua nước rút, hãy coi những thành tựu đạt được vừa qua là cơ sở để chúng ta tự tin hơn trong việc tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng mạnh mẽ để tạo nền móng vững chãi hơn, để kinh tế phát triển cao hơn trong dài hạn. Chúng ta phải biến khát vọng thành việc làm và hành động cụ thể, tận dụng cơ hội để vượt qua thách thức, phát huy tối đa tiềm lực nền kinh tế đưa Việt Nam trở thành con hổ kinh tế mới của Châu Á", Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu sau hội thảo này, Ban kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp lại các ý kiến để báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan chức năng chỉ đạo điều hành. "Chính phủ cần những đề xuất cụ thể", Thủ tướng nhắn nhủ.