A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế cửa khẩu đang thách thức Lạng Sơn trong tiến trình hội nhập như thế nào?

Ngày 12/12/2013, tại TP. Lạng Sơn, UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế (UBQGVHTKTQT), cùng Hiệp hội Doanh Nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Phát triển chiến lược Hội nhập kinh tế Quốc tế Lạng Sơn, gợi ý chính sách về tiềm năng phát triển”…

Ông Nguyễn Văn Bình – Ủy Viên  Ban Thường Vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Hội thảo

Tới dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Bình – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, cùng lãnh đạo và đại diện các ban, ngành của tỉnh Lạng Sơn. Đại diện UBQGVHTKTQT, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam, Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam cùng hàng trăm doanh nhân tiêu biểu đại diện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Tại Hội thảo, các chuyên gia của UBQGVHTKTQT đã giới thiệu báo cáo đánh giá năng lực Hội nhập kinh tế quốc tế của Lạng Sơn, đồng thời cung cấp một số thông tin quan trọng và thiết thực liên quan đến những vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế nổi bật đã và đang tác động đến tiến trình hội nhập của đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng. Chúng tôi xin được trích giới thiệu bài tham luận của ông Vũ Hồng Thủy – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn về “Kinh tế cửa khẩu – Những thách thức đối với địa phương trong tiến trình hội nhập kinh tế Việt Nam”.

Lạng Sơn có vị trí địa lý kinh tế, chính trị khá đặc biệt trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; đồng thời, là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường Quảng Tây và miền Nam Trung Quốc trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (CAFTA). Lạng Sơn cũng là địa phương có hệ thống giao thông đường sắt và đường bộ rất thuận tiện nối liền với các trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, có 2 cửa khẩu Quốc tế và nhiều cửa khẩu phụ. Với vị thế đó đã tạo cho Lạng Sơn có một thị trường sôi động phong phú, đã và đang trở thành một thị trường trung chuyển hàng hoá lớn của cả nước và các nước ASEAN sang thị trường Trung Quốc và ngược lại. 

Ông Trịnh Minh Anh  - Giám đốc Văn phòng Ban Chỉ đạo chương trình Hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO
Quan hệ thương mại biên giới giữa Lạng Sơn và Quảng Tây ngày càng có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong bối cảnh mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu; quan hệ kinh tế thương mại Việt - Trung có những bước phát triển nhanh chóng. Riêng tỉnh Lạng Sơn tổng kim ngạch XNK năm 2012 đạt 2,2 tỷ USD, năm 2013 ước đạt 2,5 tỷ USD. Trung Quốc đã và đang trở thành bạn hàng lớn nhất của Lạng Sơn nói riêng và của Việt Nam nói chung. Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước có bước phát triển mạnh mẽ như trên chính là do môi trường kinh doanh, thương mại, đầu tư và cơ chế chính sách của hai nước ngày càng thông thoáng và hoàn thiện.
Trong những năm qua tỉnh Lạng Sơn luôn xác định rõ hoạt động thương mại biên giới và kinh tế cửa khẩu là lĩnh vực kinh tế động lực giúp địa phương phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Từ quan điểm nhất quán đó, tỉnh đã luôn quan tâm, chú trọng đẩy mạnh đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng mời gọi các doanh nghiệp đến với Lạng Sơn để đầu tư và phát triển kinh doanh; tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khu vực cửa khẩu như bến bãi, kho tàng, đường giao thông và các chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Ngoài hệ thống cửa khẩu, Lạng Sơn hiện có 10 chợ trong hệ thống các cặp chợ biên giới với Quảng Tây - Trung Quốc, Trong thời gian vừa qua, hoạt động thương mại biên giới tương đối phát triển, đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hoá dịch vụ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực vùng biên giới. 

Ông Nguyễn Thành Trung Trưởng nhóm nghiên cứu phát biểu tại Hội Thảo
Các cơ sở hạ tầng dịch vụ của tỉnh Lạng Sơn như: ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, thông tin, kiểm tra, kiểm soát… tại khu vực cửa khẩu cũng ngày càng được đầu tư và hiện đại hoá, có sự phối hợp, liên kết với tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cư dân hai bên.
Quá trình phát triển các hoạt động thương mại biên giới và kinh tế cửa khẩu của Lạng Sơn trong tiến trình Hội nhập kinh tế Quốc tế và khu vực cần phải chủ động vượt qua các thách thức cơ bản sau đây:
Trước hết là tác động của biến động kinh tế thế giới đến kinh tế Việt Nam nói chung và địa phương nói riêng: Với việc hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập WTO, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào kinh tế toàn cầu. Những diễn biến về kinh tế thế giới tác động đến kinh tế Việt Nam thể hiện ngày càng rõ rệt, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm lực tài chính không lớn sẽ dễ bị tổn thương nhất. Trong thời gian qua, những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biến động giá dầu, giá vàng... không chỉ tác động, đến kinh tế vĩ mô, mà còn gây biến động mạnh thị trường trong nước. Đây là thách thức lớn cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các địa phương còn kém phát triển.
Về cơ bản cơ sở hạ tầng các khu cửa khẩu, khu KTCK và cặp chợ biên giới của Lạng Sơn đã được đầu tư, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Với thực trạng hiện nay, Lạng Sơn cần được sự quan tâm đặc biệt về đầu tư cơ sở hạ tầng các khu vực cửa khẩu, hệ thống giao thông, chú trọng là cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, ga Đồng Đăng, khu trung chuyển hàng hóa Việt Nam – ASEAN – Trung Quốc thuộc khu HTKT biên giới Đồng Đăng, Lạng Sơn để đáp ứng yêu cầu cụ thể các khu vực là yếu tố quan trọng cần sớm được triển khai thực hiện để cụ thể hóa chủ trương hợp tác và phát triển kinh tế thương mại Lạng Sơn – Quảng Tây trong phát triển hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng.
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Lạng Sơn còn thấp: Thứ nhất là tiềm lực của doanh nghiệp còn nhỏ, tính liên kết và thương hiệu yếu. Các doanh nghiệp của tỉnh có quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp, kinh doanh còn manh mún, chưa có chiến lược dài hạn và chưa đủ khả năng để khai thác được lợi thế của doanh nghiệp từ chính sách vĩ mô và mở cửa thị trường. Tính liên kết giữa các doanh nghiệp yếu, nên không tận dụng được lợi thế về quy mô thị trường đang được mở rộng. Các tổ chức hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề chưa thực sự phát huy tác dụng, chưa hỗ trợ cho doanh nghiệp nên hiệu quả và sức thu hút tham gia chưa cao. Thiếu chiến lược quảng bá thương hiệu quốc gia và thương hiệu địa phương, vì vậy, thông tin về các doanh nghiệp, về sản phẩm, về cơ hội đầu tư và du lịch chưa thu hút được đối với thị trường nước ngoài.
Hiện nay Lạng Sơn còn nhiều bất cập lớn về vấn đề này, cần có những điều chỉnh, bổ sung hợp lý trong thời gian sớm nhất để thích ứng và đảm bảo thúc đẩy hợp tác kinh tế phát triển nhanh, bền vững theo xu hướng hội nhập đang diễn ra nhanh chóng. Thực trạng thiếu lao động có chuyên môn, tay nghề cao, mặt khác chất lượng đào tạo và cơ cấu ngành nghề đào tạo hiện nay tại các trường dạy nghề và đại học chưa đáp ứng được yêu cầu, cạnh tranh về thị trường lao động chất lượng cao tăng lên nhanh chóng... dẫn đến khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có chất lượng trong các cơ quan quản lý điều hành và hệ thống các doanh nghiệp.
Về kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn sẽ phải đối mặt với các vấn đề như đói nghèo của một bộ phận dan cư, khoảng cách phát triển, giàu nghèo, các vấn đề về an ninh biên giới như: Tội phạm xuyên quốc gia, nạn rửa tiền, tiền giả, buôn bán ma túy, buôn người qua biên giới. Các bệnh truyền nhiễm HIV/AIDS, cúm gia cầm, suy giảm môi trường là những vấn đề nghiêm trọng đòi hỏi phải có sự quan tâm đặc biệt và hợp tác ngăn chặn, xử lý của các nước cùng chung biên giới

Toàn cảnh Hội thảo
Hoạt động thương mại biên giới, kinh tế cửa khẩu giữa tỉnh Lạng Sơn với Quảng Tây trong những năm vừa qua đã đạt được những thành quả to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên. Nhằm tăng cường hơn nữa mối liên kết kinh tế thương mại, phát triển kinh tế cửa khẩu giữa hai bên trong hợp tác” hai hành lang một vành đai”. Trước mắt Lạng Sơn cần tập trung giải quyết các vấn đề sau:
 
Một là: Ký kết các văn bản hợp tác trong từng lĩnh vực cụ thể giữa hai bên. Việc ký kết các văn bản giữa hai bên được xác định là các văn bản khung, trong đó xác định các nguyên tắc, cơ chế và lĩnh vực hợp tác phù hợp với mục tiêu phát triển của hai bên. Trong thời gian vừa qua, Ủy ban công tác liên hợp bốn tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh và Quảng Tây đã nhóm họp thường niên nhằm đánh giá quá trình hợp tác. Tuy nhiên mới chỉ dừng ở việc đánh giá quá trình hợp tác, chưa ký kết được các văn bản mang tính chính thức về nguyên tắc, cơ chế và lĩnh vực hợp tác trọng điểm và xây dựng các chương trình liên kết, hợp tác giữa chính quyền hai bên. Do đó hai bên cần tăng cường hơn nữa các hội nghị định kỳ nhằm nhanh chóng xác lập, hoàn thiện khung pháp lý hợp tác qua biên giới đáp ứng nhu cầu hợp tác hai bên
Hai là: Nhanh chóng xây dựng và nâng cấp các tuyến, trục giao thông ra các khu vực biên giới, các điều kiện về cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu, chợ biên biên giới, lối mở biên giới. Đề nghị Chính phủ và các bộ ngành TW sớm triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn. Việc xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông trong tuyến hành lang Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh là yếu tố quan trọng hàng đầu. Cần phải ưu tiên khai thông và nâng cấp các tuyến giao thông cả về đường bộ, đường sắt giữa hai bên.
Ba là: Việc hợp tác xây dựng các Khu Hợp tác kinh tế biên giới trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc đã được Chính phủ đồng ý về chủ trương, trong đó mô hình Khu HTKT biên giới Đồng Đăng- Bằng Tường giữa Lạng Sơn và Quảng Tây được lựa chọn triển khai thí điểm cần được đẩy nhanh tiển độ xây dựng Đề án Nghiên cứu khả thi trình Chính phủ phê duyệt để sớm triển khai được trong thực tiễn.
Bốn là: Về cơ chế chính sách, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các Bộ ngành TW ban hành những cơ chế chính sách đặc thù cho hoạt động thương mại biên giới theo hướng ưu tiên cho địa bàn biên giới và phân cấp sâu hơn cho chính quyền địa phương trong điều hành các hoạt động thương mại, đặc biệt là xuất nhập khẩu ở khu vực biên giới; Về cửa khẩu thông quan hàng hóa cần được giao quyền chủ động hơn cho UBND cấp tỉnh. Cần có chính sách, cơ chế quản lý cho phù hợp, tạo điều kiện tối đa cho vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới phát triển. Cần có chính sách riêng đối với chợ trong khu vực biên giới Việt - Trung vừa đảm bảo công tác quản lý và thúc đẩy hoạt động buôn bán qua các khu vực biên giới.
Nhóm PV Kinh tế Vntime thực hiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan