A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Công Thương đưa 3 giải pháp bảo đảm nguồn cung hàng hoá

Trước việc giá nguyên liệu thế giới tăng ảnh hưởng tới nguồn cung hàng hoá trong nước, đặc biệt trong những tháng cuối năm, chiều 6/11/2021, tại buổi họp báo Chính phủ tháng 10, được tổ chức ngay sau phiên họp Chính phủ tháng 10, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn Bộ Công Thương- đã nêu rõ các giải pháp của Bộ Công Thương trong việc kiểm soát lạm phát và bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho nhu cầu trong nước.

3 giải pháp mà Bộ Công Thương sẽ thực hiện nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho nhu cầu trong nước được Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu bật tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 gồm: Thứ nhất, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả toàn cầu và trong nước, kể cả tình hình lạm phát của các nước trên thế giới, để có sự tham khảo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả và lạm phát của Việt Nam.

Đặc biệt, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt về tạm thời hay dài hạn tại thị trường trong nước để từ đó đưa ra những chính sách đối ứng phù hợp”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.

Thứ hai, chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát; nhất là thông tin kịp thời, chính xác về các chính sách, giải pháp chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương nhằm loại bỏ các thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý từ thông tin sai lệch.

Thứ ba, trên cơ sở dự báo giá cả thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới, cần nỗ lực thực hiện các biện pháp đàm phán nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác từ cấp cao là Chính phủ đến cấp Bộ, ngành, doanh nghiệp, đặc biệt đối với các nước có nguồn tài nguyên dồi dào, và hỗ trợ các doanh nghiệp ký các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn để bảo đảm nguyên liệu đầu vào, ổn định giá thành sản xuất, qua đó kiểm soát lạm phát và bảo đảm tối thiểu nhất ảnh hưởng của việc tăng giá nguyên liệu thế giới đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đưa 3 giải pháp bảo đảm nguồn cung hàng hoá
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, CPI của năm 2021 sẽ nằm trong phạm vi mục tiêu Quốc hội đề ra

Trả lời câu hỏi của báo chí về ảnh hưởng của việc tăng giá nguyên liệu thế giới đến thị trường trong nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, điều đáng mừng là trong những tháng cuối năm 2021, chúng ta đã kiểm soát bước đầu đại dịch Covid-19, nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách. Tuy nhiên, giá nhiều mặt hàng, đặc biệt là giá nguyên liệu trên thế giới như xăng dầu, than, kể cả giá vận chuyển đều tăng, “không những tăng mà tăng rất cao”, ảnh hưởng trước hết đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát trong nước.

CPI tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12/2020 và tăng 1,77% so với tháng 10/2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, CPI bình quân tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2021, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được mục tiêu mà Quốc hội đề ra khi CPI bình quân chỉ ở mức khoảng 2%, thậm chí dưới 2% (chỉ tiêu Quốc hội đề ra là khoảng 4%). Tuy nhiên, bước sang năm 2022, nền kinh tế thế giới và trong nước có khả năng phục hồi mạnh mẽ khi đạt được miễn dịch cộng đồng, cũng sẽ tạo áp lực nhất định lên lạm phát”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định.

Theo Thứ trưởng, đối với các mặt hàng thiết yếu, chắc chắn việc tăng giá các mặt hàng, nhất là các mặt hàng nguyên liệu như xăng, dầu và giá vận chuyển sẽ làm góp phần khiến giá thành cao lên, chi phí sản xuất cao lên, từ đó đưa giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đối với các mặt hàng thế mạnh khi xuất khẩu đi các nước.

Để ứng phó với vấn đề này, ngay từ đầu năm 2021, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và nhiều Bộ, ngành đã vào cuộc, góp phần giảm áp lực từ việc tăng giá nguyên liệu trên thế giới đối với thị trường trong nước.

Về phía mình, Bộ Công Thương đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt 2 nhóm mặt hàng là xăng dầu và điện. Đối với mặt hàng xăng dầu, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng linh hoạt, hiệu quả Quỹ Bình ổn giá để hạn chế mức tăng của giá xăng dầu trong nước so với mức tăng cao của giá xăng dầu thế giới. Từ đầu năm 2021 đến nay, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng 59,08% - 76,03%. Nhờ trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 40,23% - 52,59%.

Mặc dù đây vẫn là mức tăng khá cao, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân, nhưng cũng là cố gắng, nỗ lực của liên Bộ và Chính phủ trong sử dụng Quỹ Bình ổn giá để điều hành giá xăng dầu”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Đối với giá điện, trong 2 năm 2020 - 2021, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, Chính phủ đã triển khai tổng cộng 5 đợt hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện, với tổng số tiền hỗ trợ giảm là 16.650 tỷ đồng.

Theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30/6/2017 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, khi các mặt hàng đầu vào sản xuất ra điện tăng, thì có thể điều chỉnh giá điện. Tuy nhiên, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã báo cáo Chính phủ trong năm 2021 sẽ không tăng giá điện. Việc điều chỉnh giá điện trong thời gian tới sẽ còn phụ thuộc vào tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường thế giới và trong nước.

Cũng tại buổi họp báo sau khi thông tin những nội dung chủ yếu tại phiên họp Chính phủ tháng 10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã thông báo một số nội dung chỉ đạo cần được quán triệt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp.

Bộ Công Thương đưa 3 giải pháp bảo đảm nguồn cung hàng hoá

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông báo những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ tháng 10

Theo đó, phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; giám sát chặt chẽ nợ xấu; cơ cấu lại nợ và có giải pháp tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có khả năng lan tỏa về tăng trưởng. Tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Chương trình phục hồi kinh tế.

Thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Có giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Ứng phó hiệu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khai thông, phát triển mạnh thị trường trong nước. Bảo đảm cung cầu hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, không để thiếu hàng hóa. Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường; quản lý, điều hành linh hoạt, hiệu quả về giá các mặt hàng thiết yếu. Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại. Từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với áp dụng hộ chiếu vắc-xin, tạo điều kiện khôi phục thị trường du lịch.

Cùng đó chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nắm chắc tình hình để có giải pháp an dân, ổn định xã hội; đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; có giải pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là tại các khu vực sản xuất trọng điểm. Thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh, bảo đảm an toàn và chất lượng. Củng cố tiềm quốc phòng, an ninh. Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo.

Quan tâm rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; tiếp tục hoàn thiện, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ. Tiếp tục rà soát các vướng mắc về thể chế, pháp luật để kịp thời tháo gỡ; thực hiện hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chủ động tăng cường các biện pháp thông tin, truyền thông bảo đảm kịp thời, đẩy đủ, trung thực, khách quan, chính xác; kịp thời đấu tranh phản bác, xử lý các thông tin sai sự thật, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch và tình hình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Quang Lộc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan