A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp khó khăn do Covid-19: Băn khoăn về chính sách hỗ trợ

Theo tổng hợp, đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã thực hiện, tính đồng bộ và tính nhất quán của một số chính sách còn khiến cộng đồng doanh nghiệp nhiều băn khoăn.

Theo tổng hợp, đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã thực hiện, tính đồng bộ và tính nhất quán của một số chính sách còn khiến cộng đồng doanh nghiệp nhiều băn khoăn.

Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp trong năm 2020 sụt giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận, tạm dừng hoat động, thậm chí là giải thể, phá sản. Để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần hồi phục tăng trưởng kinh tế, bên cạnh việc tiếp tục cải cách về thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, một nỗ lực rất lớn của Chính phủ là đã kịp thời đưa ra các gói giải pháp chính sách về tài khóa để hỗ trợ. Riêng các chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, cắt giảm phí và lệ phí liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, số tiền Nhà nước đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2020 đã lên đến hơn một trăm ngàn tỷ đồng.

Theo đánh giá phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp thể hiện sự phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ khi nhận định được mức độ tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh, kịp thời đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong những ngành, nghề dễ bị tổn thương, thể hiện sự đồng hành của Chính phủ cùng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, VCCI phản ánh, chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (Nghị định 41/2020/NĐ-CP), xác định những đối tượng được thụ hưởng là dựa trên tiêu chí thuộc các ngành nghề bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thực tiễn triển khai chính sách này đã cho thấy, tuy tiêu chí xác định đối tượng thụ hưởng là hợp lý, nhưng vẫn còn bỏ sót một số đối tượng quan trọng bị thiệt hại trực tiếp do phải áp dụng các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội tại các địa bàn nơi doanh nghiệp hoạt động, nhưng không thuộc các ngành nghề được cho là bị ảnh hưởng thiệt hại do dịch Covid-19.

Doanh nghiệp khó khăn do Covid-19: Băn khoăn về chính sách hỗ trợ

Ảnh minh họa

Đối với chính sách giảm mức phí, lệ phí các dịch vụ công do nhà nước cung cấp, áp dụng trong khoảng thời gian từ ngày 5/5 - 31/12/2020 nhằm hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch, đã góp phần giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, có tác dụng thúc đẩy các chủ thể kinh doanh gia nhập thị trường. Tuy nhiên, VCCI cho rằng, nếu nhìn vào mức phí và loại phí được giảm, dường như chính sách này còn có nhiều điểm thiếu nhất quán.

VCCI dẫn chứng, cùng là hoạt động cấp giấy phép kinh doanh, nhưng mức phí cấp giấy phép kinh doanh trong các lĩnh vực như: Dịch vụ lữ hành quốc tế; dịch vụ lữ hành nội địa; thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng; chứng nhận hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, được giảm 50% so với mức phí hiện hành. Tuy nhiên, mức phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động…, lại chỉ được giảm 30% so với mức phí hiện hành. Doanh nghiệp còn băn khoăn, vì sao đều là hoạt động thẩm định của cơ quan nhà nước đối với các điều kiện kinh doanh để cấp giấy phép hoạt động, nhưng tỷ lệ giảm phí lại khác nhau.

Một ví dụ khác, cùng là cấp giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực tín dụng, nhưng lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, thì được giảm 50% so với mức phí hiện hành; còn lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân thì lại không được giảm.

Cùng là cấp chứng chỉ hành nghề, nhưng mức lệ phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận hành nghề chứng khoán cho cá nhân hành nghề chứng khoán tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán thì không được giảm, trong khi mức lệ phí cấp chứng chỉ hoạt động hành nghề xây dựng, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch thì lại được giảm 50% so với mức lệ phí hiện hành. Việc giảm phí, lệ phí như vậy là chưa có tính đồng bộ.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021 dự báo vẫn còn gặp nhiều thách thức, khó khăn do dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đang tiếp tục nỗ lực đưa ra các giải pháp mới hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi phát triển. Mới đây, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã tiếp tục đề xuất Chính phủ xây dựng và ban hành Nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất... hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp trong năm 2021, VCCI cho rằng, việc xác định các đối tượng thụ hưởng chính sách cũng như mức độ hỗ trợ cần phải đảm bảo được tính thiết thực, công bằng, đồng bộ, nhất quán và bao quát.

Ngọc Quỳnh

Nguồn: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-kho-khan-do-covid-19-ban-khoan-ve-chinh-sach-ho-tro-154128.html


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan