A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước tăng trưởng tốt vì đổi mới công nghệ

Nhờ chủ động đầu tư đổi mới công nghệ máy móc, đa dạng hóa thị trường nên dù trải qua 2 đợt dịch Covid-19, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) vẫn hoạt động tốt, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

 

Chủ động đầu tư máy móc, đa dạng hóa thị trường

Nằm ở góc trong cùng của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng), Công ty TNHH MTV Chiến Thắng Gia có một ngành nghề đặc biệt đó là thu gom và tái chế biến đá phế phẩm của làng nghề.

Bà Trần Thị Minh Thắng - Giám đốc công ty - cho biết, hàng ngày các công nhân sẽ đến từng cơ sở đá mỹ nghệ trong làng nghề để thu gom các sản phẩm đá dăm, đá phế phẩm đưa về cơ sở để tái chế, trở thành nguyên liệu đầu vào của công ty. Đá sẽ được phân loại, và tùy theo từng loại để tái chế thành các thành phẩm như bột đá mịn, bột đá siêu mịn (bột trét tường), làm đá trang trí….

Cơ sở sản xuất làng nghề chủ động thích ứng
Tận dụng đá phế phẩm trong quá trình sản xuất của làng nghề với sự hỗ trợ của máy móc thiết bị, Công ty Chiến Thắng Gia đã tạo ra nhiều dòng sản phẩm bột đá chất lượng, có giá trị gia tăng cao

Theo bà Thắng, gia đình đã theo nghề tái chế đá phế phẩm được nhiều năm. Trước đây, khi còn là hộ sản xuất, cơ sở tái chế hầu như thủ công, quy mô nhỏ, sản phẩm chất lượng không cao, năng suất lao động rất thấp và không tận dụng được tối đa đá phế phẩm. “Năm 2015, khi tiếp quản cơ sở sản xuất, tôi đã quyết định đầu tư máy móc công nghệ để giảm bớt sức lao động. Máy móc hiện đại không những tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm mà còn giảm thải bụi”, bà Thắng nói và cho biết khi đổi mới đầu tư công nghệ thì hoạt động của doanh nghiệp khác hẳn. Nhân công dễ tuyển dụng hơn, năng suất cao, đồng lương người lao động tăng lên nhiều, có thêm nhiều sản phẩm để chào bán ra.

Trước đây, khi chưa đầu tư máy móc mỗi ngày cơ sở chỉ sản xuất được một lượng hàng hạn chế, vì vậy, nếu có thêm khách hàng cũng không thể cung ứng. Từ khi đầu tư máy móc, sản lượng tăng lên đến 30 tấn/ngày, công ty tự tin chào hàng cho khách, tự tin đủ năng lực cung ứng liên tục cho đối tác mà không sợ bị đứt gãy, và cũng tự tin ký hợp đồng cung cấp dài hạn. “Sản xuất công nghiệp cần phải đầu tư nâng cấp, lần sau công nghệ tốt hơn lần trước, chi phí đầu tư cũng theo đó tăng lên, phải có đầu tư mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và mới có thể cạnh tranh”, bà Thắng phân tích. Hiện mỗi tháng Công ty Chiến Thắng Gia cung cấp ra thị trường đến 1.000 tấn bột đá mịn.

Khi áp dụng máy móc tiên tiến vào tăng sản lượng, bà Thắng đồng thời đi nhiều nơi để tìm kiếm khách hàng. “Ban đầu tôi gửi hàng để họ bán thử. Sau đó, khách hàng lần lượt liên hệ lại và hiện tại họ đều là khách hàng lớn, là đại lý phân phối, kinh doanh sản phẩm của công ty. Hiện tại công ty đã có đại lý ở hầu khắp cả nước”, bà Thắng chia sẻ thêm.

Cơ sở sản xuất làng nghề chủ động thích ứng

Máy tiện đá tự động có thể tiện cùng lúc 8 sản phẩm chỉ trong 15 phút, giúp cơ sở sản xuất tăng năng suất lên tới 20 lần với độ chính xác cao

Cùng trong làng đá mỹ nghệ Non Nước, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Toan cũng mới đầu tư hệ thống máy tiện đá tự động, có ứng dụng lập trình sản phẩm trị giá 792 triệu đồng để phục vụ tiện các sản phẩm đá. Ông Nguyễn Văn Toan - chủ hộ kinh doanh - cho biết: Để sản phẩm có sức cạnh tranh, cơ sở đã liên tục tìm hiểu các mô hình sản xuất tiên tiến. Với sự giúp sức của chương trình khuyến công, cơ sở quyết định đầu tư hệ thống máy tiện tự động 100% có ứng dụng lập trình, có thể tiện ra các con tiện đá theo đúng mẫu mã, tỷ lệ sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.

“Trước đây mỗi ngày, mỗi thợ một máy chỉ làm được khoảng 3 con tiện đá, thì bây giờ, máy tiện tự động có thể tiện cùng lúc 8 sản phẩm chỉ trong 15 phút, độ chính xác tuyệt đối, sản phẩm đồng đều, thẩm mỹ cao, công suất tăng tới 20 lần so với máy cũ, lại an toàn, tiết kiệm sức lao động”, ông Toan chia sẻ.

Chống chịu và thích ứng tốt với các biến động và rủi ro

Nhờ chủ động đầu tư máy móc thiết bị nên trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 cơ sở của ông Nguyễn Văn Toan không những không bị giảm sản lượng mà ngược lại đơn hàng còn tăng. “Nhờ hệ thống máy móc tự động, sản phẩm làm ra nhanh hơn, chúng tôi không bị phụ thuộc vào sản lượng hạn chế mà có thể tự tin, đảm bảo tiến độ giao hàng cũng như chất lượng sản phẩm như đã cam kết. Tất cả khách hàng đều rất hài lòng”, ông Toan chia sẻ và cho biết thêm, nhờ chủ động được sản lượng và tận dụng tối đa hiệu quả máy móc tự động mang lại, cơ sở đã và đang tiếp tục tìm kiếm thêm các đối tác mới và liên tục có đơn hàng.

Còn bà Minh Thắng thì cho hay, thông qua việc đổi mới máy móc công nghệ, công ty đã làm ra được nhiều loại sản phẩm hơn, đáp ứng được đa dạng các phân khúc khách hàng khác nhau. Cùng với đó, nhờ chủ động tìm kiếm và có hệ thống đại lý ở nhiều tỉnh thành trên cả nước nên trong cả 2 đợt dịch Covid-19, 20 công nhân, người lao động của công ty không phải nghỉ việc ngày nào.

Cơ sở sản xuất làng nghề chủ động thích ứng

Việc đầu tư máy móc và đa dạng hóa thị trường đã giúp nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động thích ứng và có sự chống chịu đối với các biến động khách quan từ bên ngoài

Theo bà Thắng, dịch Covid-19 đợt 2 với tâm dịch là Đà Nẵng, rất nhiều đơn hàng của công ty đã bị ảnh hưởng, nhất là các đơn hàng tại Đà Nẵng hoàn toàn chững lại. “Ở Đà Nẵng gần như tê liệt thì các địa phương khác vẫn hoạt động nên tình hình sản xuất của công ty vẫn phát triển tốt, vẫn xuất hàng bình thường”, bà Thắng cho hay. Nhờ đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, không bị lệ thuộc vào một thị trường nhất định nên công ty đã chủ động được sản xuất dù có yếu tố tiêu cực tác động, ví dụ như dịch bệnh. “Mỗi đại lý, đơn vị phân phối nhập một ít, nhưng nhiều đơn vị gộp lại thì thành đơn hàng lớn. Dù hoạt động kinh doanh của các đại lý của công ty tại Đà Nẵng bị tê liệt, nhưng mỗi tháng công ty vẫn đều đặn xuất hơn 1.000 tấn hàng là bột đá mịn đến các tỉnh thành trong cả nước”, bà Thắng nói và tiết lộ thêm, các đơn hàng cung cấp cho doanh nghiệp đúc tượng từ bột đá xuất sang châu Âu cũng dần trở lại bình thường sau một thời gian giãn đơn hàng do dịch bệnh tại thị trường xuất khẩu.

“Công ty vẫn tiếp tục có dự định sẽ đầu tư, cải tiến máy móc thiết bị để gia tăng chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường. Chúng tôi tin rằng điều đó sẽ giúp doanh nghiệp, nhất là cơ sở sản xuất thích ứng tốt hơn với các tác động tiêu cực. Và thích ứng với dịch Covid-19 là một minh chứng chứng minh điều đó”, bà Minh Thắng khẳng định.

Vũ Lê

 

Nguồn: https://congthuong.vn/lang-nghe-da-my-nghe-non-nuoc-tang-truong-tot-vi-doi-moi-cong-nghe-145005.html

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan