A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giới thiệu Báo cáo “Chỉ số năng lực hội nhập kinh tế cấp địa phương năm 2013”: Kỳ 2: ĐẦU TIÊN LÀ PHẢI ... “CẢM ƠN ”!

 

ông Trịnh Minh Anh, Giám đốc văn phòng Ban chỉ đạo chương trình Hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO phát biểu tại Hội thảo Báo cáo đánh giá năng lực hội nhập kinh tế của các địa phương 2013

 Báo cáo đánh giá năng lực hội nhập kinh tế của các địa phương thông qua một thang đo lường chung được xây dựng là “Chỉ số hội nhập kinh tế cấp địa phương” là kết quả nghiên cứu của Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế do Cơ quan phát triển quốc tế Ôxtrâylia (AusAID) và Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) tài trợ thông qua Chương trình Hỗ trợ Kỹ thuật hậu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm nghiên cứu đầu tiên (2010). Báo cáo này không phản ánh quan điểm của AusAID, DFID và Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO.

 

 

Báo cáo năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương 2012 đánh giá thực trạng hội nhập của các nền kinh tế địa phương với phần còn lại của thế giới trong đó đặc biệt là hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu thông qua một thang đo lường chung được xây dựng là “Chỉ số hội nhập kinh tế cấp địa phương”. Mục tiêu chính của báo cáo nhằm xác định được mức độ hội nhập kinh tế quốc tế của mỗi địa phương, các tác động của hội nhập đến việc tăng trưởng phúc lợi cho người dân và phát triển kinh doanh doanh nghiệp. Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá sự phù hợp giữa tầm nhìn chiến lược của địa phương đối với năng lực hội nhập hiện tại để chỉ ra các điều chỉnh cần thiết cho việc thu hút nguồn lực cho phát triển bền vững.
 
Quan trọng hơn cả nhóm nghiên cứu muốn cung cấp một cách nhìn rõ ràng và toàn diện về vấn đề hội nhập của địa phương và đi đến một thống nhất chung cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội với các điều kiện hội nhập đặc thù của mỗi địa phương.  

 

Dựa trên phương pháp tư duy hệ thống, khái quát hóa các dòng vật chất dịch chuyển giữa một địa phương (được giới hạn bởi biên giới của địa phương) với phần còn lại của thế giới (địa phương khác và quốc tế) để xem xét mức độ thu hút các nguồn lực dịch chuyển cho mục tiêu tăng trưởng và phát triển. Các dòng vật chất được xem xét là sản phẩm hàng hóa dịch vụ; vốn và công nghệ; con người thông qua di trú, thu hút nhân lực và du lịch. Một địa phương được cho là hấp dẫn sẽ thu hút được các nguồn lực cho sự phát triển như thu hút du khách, thu hút đầu tư vào mở rộng sản xuất kinh doanh, thu hút người dân đến sống và làm việc, thu hút ngoại tệ thông qua xuất khẩu,…. Mục tiêu cuối cùng của mỗi địa phương là tạo ra một môi trường và điều kiện thuận lợi phục vụ nhân dân của địa phương đó. Hình thái thể hiện và tính định lượng của nó thể hiện thông qua chỉ tiêu thu nhập bình quân trên đầu người và các chỉ số phát triển con người của địa phương. Tuy nhiên, thách thức đối với các điểm đến hiện nay là có quá nhiều nỗ lực để thu hút các nguồn lực của chính quyền các quốc gia, các nền kinh tế cũng như các địa phương.

 

Các luận điểm ủng hộ tự do hóa thương mại chủ trương khuyến khích các thể chế tạo điều kiện cho hàng hóa và dịch vụ dễ dàng dịch chuyển giữa các quốc gia nhằm mục tiêu để người dân các dân tộc có thể mua được các sản phẩm được sản xuất ra với chi phí thấp hơn hoặc đa dạng hơn hoặc khác biệt về các giá trị tinh thần. Nhờ tinh thần này của thương mại thế giới mà tiến trình toàn cầu hóa được diễn ra nhanh chóng, sâu rộng trên mọi phương diện thể hiện ở 3 mặt: toàn cầu hóa về sản xuất để đảm bảo mức chi phí biên thấp nhất cho một đơn vị sản phẩm cuối cùng; toàn cầu hóa về tiêu dùng đối với việc một sản phẩm mang thương hiệu được chấp nhận với giá trị độc đáo như nhau bởi người dân ở nhiều quốc gia, và toàn cầu hóa về sở hữu (một người dân có thể sở hữu tài sản ở nhiều quốc gia, sử dụng các dịch vụ đầu tư trên phạm vi toàn cầu thông qua các định chế tài chính trung gian). Trong nhiều thập kỷ qua chúng ta đã chứng kiến hai xu thế toàn cầu hóa sản xuất và tiêu dùng trong ngôi nhà chung toàn cầu. Trong thập kỷ này và vài thập kỷ sau, chúng ta sẽ chứng kiến tiến trình toàn cầu hóa về sở hữu khiến xóa nhòa mọi biên giới quốc gia về quốc tịch và nhiều niềm tự hào về các thương hiệu quốc gia hay sản phẩm quốc gia. Những gì chúng ta đang tự hào sở hữu hôm nay có thể sẽ được thông qua các định chế tài chính trung gian giúp nhiều người khác trên thế giới cùng sở hữu nó trong tương lai. Điều này đặt ra những vấn đề cơ bản và then chốt cho các Chính phủ trong việc có nên tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp để thể hiện sức mạnh kinh tế địa phương – mà trong tương lai chúng ta có thể không sở hữu nữa hay chỉ nên tạo điều kiện về môi trường và thể chế khuyến khích doanh nghiệp phát triển kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh và tăng năng suất.

 

Một địa phương thu hút nguồn lực phải có đặc điểm gì? Để tìm hiểu vấn đề này chúng ta phải đi đến hai giả thiết cần thừa nhận như sau: Thứ nhất, không một địa phương nào có đủ nguồn lực vô cùng cho phát triển mà nó sẽ bị giới hạn bởi các nhóm nguồn lực và năng lực; thứ hai, để phát huy hiệu quả, bản thân các nguồn lực cần phải có sự phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chính sách đúng đắn và sự quản lý thích hợp của địa phương. Từ hai giả thiết này để thấy việc thu hút nguồn lực là nhằm mục tiêu gia tăng phúc lợi cho người dân tại địa phương đó thông qua phát triển kinh tế. Đặc điểm của địa phương thu hút nguồn lực trong nghiên cứu này được xác định và khái quát hóa thành mô hình bao gồm 8 trụ cột, mỗi trụ cột có một số tiêu chí và xem xét dựa trên một số chiều kích khác nhau. Tám trụ cột này gồm 4 trụ cột nhân tố tĩnh và 4 trụ cột nhân tố động. Tĩnh và động là khái niệm tương đối và được lý giải ở Phần 1 của báo cáo này, ngụ ý “tĩnh” là không dịch chuyển ra khỏi biên giới địa phương và “động” là những phần không chỉ nằm trong biên giới địa phương, nó có thể dịch chuyển hai chiều ra hoặc vào biên giới địa phương. Bốn trụ cột tĩnh gồm thể chế, cơ sở hạ tầng, văn hóa và  đặc điểm tự nhiên địa phương. Bốn trụ cột động gồm con người, thương mại, đầu tư, du lịch. Các trụ cột này vừa có tác dụng thu hút nguồn lực dành cho nguồn lực đó đến từ bên ngoài, vừa phản ánh thực trạng hình ảnh trụ cột đang tồn tại và có khuynh hướng dịch chuyển đến những nơi khác thu hút hơn. Mức độ hội nhập đơn giản được đo lường dựa trên cách tiếp cận về dịch chuyển nguồn lực giữa các địa điểm về mặt số lượng, chất lượng, cường độ để thấy được mức độ mạnh hay yếu của việc hội nhập kinh tế xã hội toàn cầu.

 

Nghiên cứu năng lực hội nhập kinh tế cấp địa phương này được tiến hành từ quý 2 năm 2010, nghiên cứu thu thập dữ liệu, điều tra và phân tích 63 tỉnh/thành phố tại Việt Nam. Cuối cùng, do chỉ đủ cơ sở dữ liệu để phân tích cho 50 tỉnh/thành phố, 13 tỉnh/thành phố còn lại do thiếu dữ liệu nên chưa thể tiến hành phân tích chi tiết trong năm 2010.

 

 
Toàn cảnh Hội thảo Báo cáo năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương 2013 

 

 

Ngoài phần mở đầu, tóm tắt và kết luận, báo cáo này bao gồm hai phần: phần 1 giới thiệu mô hình nghiên cứu và những điều chỉnh trong phương pháp nghiên cứu, phương pháp xử lý dữ liệu so với kết quả của năm đầu tiên, và nhấn mạnh vào kết quả xếp hạng tổng thể; phần 2 gồm 8 nội dung cụ thể tương ứng với 8 trụ cột của mô hình PEII để thấy các góc nhìn đa chiều đan xen về vấn đề hội nhập của các địa phương. 

 

Báo cáo nghiên cứu của Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế có sự đóng góp ý kiến và tham gia của các chuyên gia như: Ông Vũ Khoan – Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Nam – Chuyên gia kinh tế cao cấp – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại; Ông Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM); Ông Bùi Trường Giang – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Văn phòng Chủ tịch nước; Ông Dương Đình Giám – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương); Ông Lê Xuân Đình – Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo; Ông Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế - Báo Nhân dân; Ông Nguyễn Quốc Thịnh – Trưởng Bộ môn Quản trị Thương hiệu – Đại học Thương mại; Ông Võ Tá Tri – Chuyên gia kinh tế; Ông Vũ Mạnh Chiến – Chuyên gia Tài chính – Trường Đại học Thương mại; Ông Phạm Hồng Tú – Chuyên gia kinh tế; Ông Nguyễn Thành Trung- Chuyên gia nghiên cứu Phân tích thị trường và Thương hiệu; Bà Nguyễn Thu Hương- Chuyên gia nghiên cứu Phân tích thị trường và Marketing; Ông Đinh Ngọc Hưởng, Văn phòng UBQG về HTKTQT; Ông Raymond Mallon, cố vấn kỹ thuật cấp cao Chương trình B-WTO.


Ông Nguyễn Thành Trung - Trưởng nhóm nghiên cứu

 

Báo cáo này đã được sự hỗ trợ của các Ban Hội nhập kinh tế quốc tế của 63 tỉnh, thành phố trong việc tổng hợp dữ liệu và hỗ trợ thực hiện nghiên cứu./.
 

 

 

 

(Đón đọc Kỳ 3: Công khai cả những niềm vui và nỗi buồn!)
 

 

 Nhóm PV Kinh tế VNTime (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan