A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lời ca từ màu áo xanh công nhân: "Sân chơi" bổ ích và ý nghĩa cho người lao động

Tối qua 24.12, tại Sân khấu Nhà hát Quân đội, TP.HCM đã diễn ra đêm Chung kết Tiếng hát công nhân do Báo Văn Hóa phối hợp với Công ty CP Truyền thông Vmark , SkyMusic; NCT - Nhaccuatui… tổ chức.

15 thí sinh tại đêm Chung kết

15 thí sinh xuất sắc vượt qua hàng ngàn thí sinh đăng kí tham dự đã có mặt tại vòng Chung kết. Không chỉ là sân chơi cho công nhân sau những giờ lao động mệt nhọc, Tiếng hát công nhân còn là nguồn động viên tinh thần, tạo động lực trong lao động. Dù họ không phải là ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng với niềm yêu thích, đam mê cháy bỏng với ca hát thì việc tham gia sân chơi này là một niềm khích lệ rất lớn.

Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Chu Thị Thu Hằng (phải) tặng hoa cho nhà tài trợ

Hiện nay, số lượng các khu công nghiệp, khu chế xuất ngày càng tăng, cùng với đó là lượng lớn công nhân, người lao động từ khắp các nơi đổ về TP Hồ Chí Minh và các thành phố vệ tinh ngày càng lớn. Sản phẩm giải trí món ăn tinh thần bổ ích cho họ còn rất hạn chế thì việc tổ chức cuộc thi ca hát cho công nhân lao động là một việc làm ý nghĩa.

NSƯT Đỗ Quốc Hưng - thành viên Ban giám khảo, đạo diễn chương trình cho biết: “Đây là cuộc thi của những người lao động, mang ý nghĩa rất lớn cho toàn bộ công nhân các khu công nghiệp khu vực phía Nam. Dù không phải là ca sĩ chuyên nghiệp nhưng chất lượng, giọng ca của các thí sinh tại cuộc thi này khiến tôi bất ngờ. Các thí sinh đợt này toàn gương mặt trẻ, đến từ mọi miền đất nước, xa gia đình đi lập nghiệp. Có những thí sinh tôi phải nói là ngỡ ngàng. Ví dụ thí sinh Hà Thanh Tùng với bài hát Người là niềm tin tất thắng, phải nói đây là giọng hát ấn tượng. Ngoài ra, còn khá nhiều thí sinh hát rất hay như thí sinh Phương Dung với Miền xa thẳm, hội tụ nhiều tố chất, hát truyền cảm…

Ban giám khảo: NSND Trần Hiếu, NSUT Quốc Hưng và nhạc sĩ Giáng Son

Sân chơi này đã có từ lâu, từ thời chiến tranh đã có nhiều phong trào công nhân ca hát, lực lượng vũ trang ca hát rất mạnh mẽ. Góp phần cổ vũ tinh thần lao động sản xuất và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nhưng cũng khá lâu rồi, bây giờ sân chơi này mới tổ chức lại, tôi nghĩ nó nên được nhân rộng ra nhiều hơn. Không những khu vực phía Nam mà còn là toàn quốc. Theo tôi biết, BTC từ năm sau sẽ chia làm 3 miền Bắc, Trung, Nam rồi chung kết ở HN hoặc TP.HCM”…

Anh Trần Văn Tuyến - Công ty Thực phẩm Nam Phát, Vũng Tàu cho biết: “Tiếng hát công nhân là cuộc thi lớn nhất mà tôi từng tham gia. Dù không phải là ca sĩ chuyên nghiệp nhưng vì yêu thích văn nghệ nên đối với tôi được hát đã là niềm sung sướng. Nhất là dòng nhạc truyền thống cách mạng đi cùng năm tháng vẫn thấm đậm vào lòng người nên tôi cũng rất yêu thích dòng nhạc này. Tham gia cuộc thi mong mọi người tiếp tục ủng hộ chương trình và tham gia nhiệt tình… Mong cuộc thi được tổ chức quy mô rộng lớn hơn để tất cả mọi người đều có thể tham gia...".

 Một tiết mục tại đêm Chung kết

Chị Nguyễn Thị Lệ My, từng làm công nhân ở Đồng Nai, mới xin thực tập tại Trường Trung cấp mầm non Bình Dương chia sẻ: “Chương trình tổ chức cuộc thi này rất hay, tạo sân chơi cho công nhân thỏa sức đam mê của mình. Bình thường tham gia nhiều chương trình văn nghệ trường, lớp, tôi đam mê ca hát lắm, nhiều lúc còn đi học hát cho thỏa đam mê. Tôi đặc biệt thích dòng nhạc truyền thống, quê hương. Đến với Tiếng hát công nhân tôi chỉ mong thỏa sức mong muốn hát cho mọi người nghe mà thôi. Điều đó giờ đã làm được rồi”.

Đối với chàng kỹ sư trẻ Doãn Công Hậu đến từ Công ty Samsung tại TP.HCM thì: “Khi tham gia sân chơi này tôi thấy sự đầu tư rất chuyên nghiệp từ khâu sơ kết cho tới chung kết. Thí sinh chỉ tập trung thi không phải lo lắng điều gì. Lọt vào top 15 tôi cảm thấy rất tự hào. Các anh chị hát rất hay, chuyên nghiệp. Chúng tôi không đặt nặng vấn đề thắng thua. Chỉ mong có cơ hội trong sân chơi để thể hiện tài năng, để biết khả năng mình như thế nào…”.

Quán quân của chương trình chỉ là một phần trong cuộc thi lần này. Điều quan trọng hơn là nó đã khuyến khích phong trào ca hát, văn hóa văn nghệ trong đời sống công nhân lao động. Để sau những giờ lao động, tiếng hát của họ càng làm phong phú đời sống tinh thần, giải trí lành mạnh và bổ ích…

Hà Trần; ảnh: Lê Hải - Theo Báo Văn Hóa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan