Ban Kinh tế Trung ương
Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; hoạch định đường lối, chủ trương, biện pháp lớn, quan trọng về kinh tế - xã hội.
Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI thì Ban Kinh tế Trung ương được thành lập trở lại theo Quyết định số 160/QĐ-TW ngày 28 tháng 12 năm 2012. Trước đó Ban Kinh tế Trung ương được hợp nhất về Văn phòng Trung ương Đảng từ tháng 5 năm 2007.
Chức năng nhiệm vụ
- Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng đường lối, chủ trương, nghị quyết đại hội, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định về lĩnh vực kinh tế - xã hội của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách lớn về kinh tế - xã hội, phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, về các vấn đề xã hội gắn với kinh tế theo phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tham gia ý kiến với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan về các đề án, dự án lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội.
- Thẩm định các đề án về kinh tế - xã hội trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
- Hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách về kinh tế - xã hội của Đảng đối với các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; chủ trì hoặc tham gia sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định,…, của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kinh tế - xã hội. Giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững theo chương trình, kế hoạch và sự phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
- Tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thuộc khối kinh tế - xã hội theo phân công, phân cấp.
- Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.[5]