Đài Truyền hình Việt Nam
Đài Truyền hình Việt Nam (tiếng Anh: Vietnam Television, viết tắt: VTV), là đài truyền hình quốc gia thuộc sở hữu của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đài chịu sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, có nhiệm vụ "tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và Quốc hội, góp phần giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân".[1][2] Hiện nay, Đài Truyền hình Việt Nam đang có 11 kênh truyền hình quảng bá và hệ thống kênh truyền hình cáp được phủ sóng toàn quốc, phát sóng chủ yếu các chương trình tin tức, phim tài liệu, giáo dục xã hội, hài kịch, giải trí và chính kịch.
Tên gọi
Tên viết tắt chính thức của Đài Truyền hình Việt Nam là VTV, được sử dụng từ năm 1990. 3 chữ cái in hoa VTV đè lên nhau được dùng làm biểu tượng của Đài từ năm 1995, lần lượt được thiết kế và thể hiện bằng 3 màu đỏ, xanh lá, xanh lam, tượng trưng cho 3 màu cơ bản trên màn hình máy truyền hình màu. Biểu trưng này đã được thiết kế lại vào các năm 2010 và 2012. VTV là viết tắt tên gọi tiếng Anh của "Vietnam Television" và cũng là viết tắt tên gọi tiếng Việt của "Vô tuyến Truyền hình Việt Nam".[5]
Lịch sử
Thành lập trong chiến tranh (1945–1975)
Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ Lâm thời đã thành lập Bộ phận Điện ảnh và Nhiếp ảnh thuộc Bộ thông tin - Tuyên truyền; hoạt động chủ yếu của bộ phận này là tổ chức đoàn chiếu phim lưu động chiếu ở những nơi công cộng và lập toa xe điện ảnh đi chiếu phim dọc quốc lộ 1 từ bắc vào nam bằng một máy chiếu Débri 16 mm và hai bộ phim tài liệu về phái đoàn Phạm Văn Đồng tại Pháp do Việt kiều gửi về.[6]
Năm 1953, tại chiến khu Việt Bắc, chính phủ thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh, nhưng các nhà làm phim thời kỳ này mới sản xuất được các phim tài liệu ngắn, như Giữ làng giữ nước (1953), Điện Biên Phủ (1954). Năm 1956, Xưởng phim thời sự tài liệu tách khỏi Xưởng phim Việt Nam và đến năm 1989 thì đổi tên thành Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (DSF).[6]
Từ giữa năm 1965, Mỹ đã tăng cường phạm vi tuyên truyền bằng cách xây dựng một hệ thống các đài truyền hình để tuyên truyền cho bản thân và Chính quyền Sài Gòn. Để ứng phó, từ năm 1967, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã bắt đầu chuẩn bị cho việc thành lập một đài truyền hình đại diện cho miền Bắc, nhà báo Trần Lâm lúc đó đang là giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác với Viện Phát thanh Truyền hình Cuba, 18 nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đã được đào tạo sang Cuba để học tập các khâu làm truyền hình tại Việt Nam.[6] Năm 1968, Xưởng phim Vô tuyến truyền hình được thành lập, có nhiệm vụ sản xuất phim vô tuyến truyền hình (16 mm) để gửi cho các đài truyền hình nước ngoài tuyên truyền về cuộc chiến đấu và xây dựng đất nước tại Việt Nam.[6]
Ngày 7 tháng 9 năm 1970, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát sóng tín hiệu truyền hình đầu tiên, sang năm 1971 thì thành lập Ban biên tập Vô tuyến truyền hình. Ngày 30 Tết Tân Hợi (27 tháng 1 năm 1971), VOV phát chương trình truyền hình đầu tiên, gọi là "chương trình truyền hình thử nghiệm" phục vụ khán giả Hà Nội. Ban đầu truyền hình phát mỗi tuần 3 tối, mỗi tối 2 tiếng đồng hồ. Đến năm 1972, việc phát sóng bị gián đoạn do chiến sự leo thang và Đài Tiếng nói Việt Nam bắt buộc phải sơ tán. Năm 1973, Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng chương trình đầu tiên trên màn hình đen trắng. Năm 1975, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Giải phóng A đã cùng Đài giải phóng B Đông Nam Bộ đã tiếp quản toàn bộ hệ thống phát thanh, truyền hình của chế độ Sài Gòn để lại.[6]
Phát triển trong hòa bình (1976–nay)
Năm 1976, Trung tâm Truyền hình được xây dựng tại Giảng Võ; năm 1977, Ban biên tập Vô tuyến truyền hình tách khỏi Đài Tiếng nói Việt Nam, thành lập Đài Truyền hình Trung ương và chuyển trụ sở tới đây. Cuối những năm 1970, Đài đã bắt đầu phát sóng các chương trình truyền hình màu (hệ SECAM) với thời lượng giới hạn nhằm mục đích thử nghiệm, đào tạo đội ngũ và phục vụ một số lượng ít các máy thu hình màu hiện có của khán giả vào thời điểm đó.[7] Trong giai đoạn này, Đài chuyển dần từ phát sóng đen-trắng sang phát sóng truyền hình màu, đồng thời xây dựng Đài Tiếp vận Tam Đảo để phủ sóng toàn miền Bắc và hỗ trợ xây dựng các đài truyền hình địa phương.[6]
Năm 1987, Đài Truyền hình Trung ương đổi tên thành Đài Truyền hình Việt Nam. Năm 1990, Đài bắt đầu phát sóng kênh truyền hình thứ hai, từ đây kênh được chia thành VTV1 và VTV2. Ngày 4 tháng 2 năm 1991, kênh VTV1 bắt đầu được phát sóng trên vệ tinh Stationar 13 với thời lượng 5 giờ mỗi ngày để các đài địa phương thu phát lại trên phạm vi toàn quốc.[8]
Kênh VTV3 được thành lập năm 1996, đến năm 1998 kênh được phát sóng qua vệ tinh đến các địa phương trên toàn quốc. Các kênh VTV4 (Phát sóng lần đầu năm 1998), VTV5 (cùng các kênh khu vực, phát sóng lần đầu năm 2002), VTV6 (Phát sóng năm 2007), VTV7, VTV8, VTV9, VTV Cần Thơ bắt đầu lên sóng lần lượt trong các năm sau đó.[6]
VTV3 là kênh đầu tiên được phát sóng chuẩn HD từ năm 2013, các kênh còn lại cũng lần lượt được nâng chuẩn phát sóng vào những năm tiếp theo.[6] Từ năm 2016 đến nay, các kênh đều phát sóng SD và HD song song. Riêng từ ngày 1 đến 7 tháng 1 năm 2020, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện đồng bộ biểu trưng luồng kênh SD với HD cho tất cả các kênh (ngoại trừ kênh VTV5 Tây Nam Bộ và VTV5 Tây Nguyên). Đến ngày 8 tháng 1 năm 2020, các kênh từ VTV1 đến VTV7 và VTV9 từ 10 tháng 1 cùng năm (trừ VTV8) đã trở lại phát song song 2 tín hiệu SD và HD với biểu trưng riêng biệt.
Cũng trong giai đoạn này, với tư cách là đơn vị truyền hình chủ nhà, Đài đã thực hiện nhiều chương trình về những sự kiện quan trọng của đất nước, như Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2003 (tổ chức truyền hình trực tiếp trên bốn kênh VTV1, VTV2, VTV3 và VTV4), Hội nghị APEC các năm 2006 và 2017, hay Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên-Hoa Kỳ 2019.