CEO đế chế ốp lưng tỷ 'đô', hợp tác với Blackpink: Sau 10 năm mới gọi vốn, chưa từng muốn ‘đốt’ tiền đầu tư
“Chúng tôi luôn làm mọi việc và hoạt động vì lợi ích của công ty, thay vì lợi ích của các cổ đông”, CEO của Casetify cho biết.
“Chúng tôi luôn làm mọi việc và hoạt động vì lợi ích của công ty, thay vì lợi ích của các cổ đông”, CEO của Casetify cho biết.
Wesley Ng đã học được những nguyên tắc cơ bản của việc điều hành một doanh nghiệp bằng cách quan sát cha mẹ điều hành nhà hàng ở Hong Kong.
“Nhà hàng của họ không được đầu tư mạo hiểm. Vì thế, điều quan trọng nhất để tồn tại được chính là lợi nhuận”, Ng cho biết.
Ng hiện điều hành doanh nghiệp của riêng mình - Casetify, với triết lý tương tự. Đây thương hiệu phụ kiện công nghệ nổi tiếng với nhiều loại ốp điện thoại hợp thời trang.
Casetify đang trên đà đạt mốc doanh thu 300 triệu USD trong năm nay. Đến thời điểm hiện tại, công ty đã bán được hơn 15 triệu chiếc ốp điện thoại trên toàn thế giới.
Theo Ng, “có lợi nhuận” là điều đã bị đánh giá thấp cho đến thời gian gần đây. “Một số công ty phải ‘đốt’ tiền để phát triển kinh doanh, nhưng không phải tất cả đều như vậy. Tôi không nghĩ rằng các doanh nghiệp B2C cần đốt tiền nhiều như vậy. Nếu đó là những gì họ cần thì tôi không nghĩ họ đang đi đúng hướng. Đối với tôi, điều hành doanh nghiệp có thể kiếm tiền và sau đó có lại là con đường đúng đắn để đi theo”, Ng chia sẻ.
Dưới đây là một số chia sẻ của Ng về cách anh biến công việc phụ thành một đế chế kinh doanh trị giá gần 1 tỷ USD.
Casetify ra mắt dưới dạng một nền tảng thương mại điện tử vào năm 2011, cho phép khách hàng tùy chỉnh ốp điện thoại bằng ảnh Instagram.
Kể từ đó, công ty đã mở rộng sang bán các phụ kiện công nghệ, đồng thời hợp tác với các công ty lớn như Disney và giờ là các nhóm nhạc K-pop nổi tiếng, bao gồm Blackpink.
“Khách hàng của chúng tôi muốn sử dụng các sản phẩm như cách để thể hiện cá tính của họ”, Ng cho biết.
Nhìn lại, Ng cho biết anh chưa bao giờ nghĩ rằng Casetify lại thành công như bây giờ. Số vốn ban đầu mà anh bỏ ra để đồng sáng lập công ty là 200.000 USD.
Với tình trạng lạm phát và kinh tế bất ổn như hiện tại, Ng cho biết Casetify đã “may mắn” khi không được hỗ trợ nhiều bởi các khoản đầu tư mạo hiểm, nếu không nó sẽ khiến công ty đưa ra “những mục tiêu phi thực tế”.
“Chúng tôi luôn làm mọi việc và hoạt động vì lợi ích của công ty thay vì lợi ích của các cổ đông. Đó là hai điều khác nhau. Chúng tôi không gọi vốn đầu tư quá mức để đổi lấy sự tăng trưởng không cần thiết. Vì vậy, rất may mắn là chúng tôi vẫn đang hoạt động tốt”, Ng giải thích.
Mặc dù vậy, Casetify vẫn có những kế hoạch đầy tham vọng, bao gồm mở 100 cửa hàng bán lẻ trong 2 năm tới. Hiện tại, thương hiệu có 21 cửa hàng trên toàn cầu, nơi khách hàng có thể thiết kế vỏ điện thoại của riêng họ và nhận thành phẩm trong vòng 30 phút.
Tháng 6/2021, công ty được cho là đã huy động thành công hàng chục triệu USD (con số cụ thể không được tiết lộ) trong vòng gọi vốn đầu tiên sau 10 năm hoạt động.
Ng cho biết: “Về lý thuyết, Casetify không cần gọi vốn. Khoản tiền này giống một khoản đầu tư chiến lược hơn”.
Ng nói rằng Casetify được định giá gần 1 tỷ USD sau đợt bơm tiền mặt vào năm 2021. Như vậy, công ty đã tiến một bước gần hơn đến trạng thái kỳ lân. Khi được hỏi về khả năng sinh lời của công ty, Ng trả lời ngay lập tức: “Tất nhiên là chúng tôi đã có lãi”.
Đối với Ng, người có nền tảng kiến thức về thiết kế truyền hình, việc điều hành công ty của riêng mình đương nhiên đi kèm với hàng loạt thách thức. Rào cản lớn nhất của anh là những vấn đề liên quan đến sản xuất.
“Làm thế nào chúng ta có thể có được tất cả những hiểu biết này trong thời gian ngắn và áp dụng chúng vào công việc kinh doanh? Một trong những kỹ năng mà các doanh nhân cần có là khả năng học một điều gì đó trong thời gian rất ngắn và hiểu đúng về nó”, Ng chia sẻ.
Một trong những sai lầm của Ng là việc mua chiếc máy in công nghiệp đầu tiên. Ng kể lại: “Chúng tôi đã mất khoảng 50.000 USD nhưng vẫn giữ nó như một lời nhắc nhở. Chúng tôi học được rằng mình nên khiêm tốn đi nhờ sự giúp đỡ từ những người có kinh nghiệm trong sản xuất”.
Nói chuyện cởi mở, hay thậm chí là “chia sẻ quá mức” những vấn đề gặp phải với tư cách là người kinh doanh, là bài học mà Ng luôn khắc cốt ghi tâm.
“Tôi gặp gỡ các doanh nhân trên khắp thế giới và tôi thấy rằng một số người ở châu Á không mấy cởi mở về vấn đề mình đang vướng mắc. Có lẽ họ sợ nói ra thì sẽ bị nghĩ là yếu kém. Theo tôi, việc chia sẻ khó khăn của bản thân hay doanh nghiệp rất quan trọng. Bạn sẽ ngạc nhiên về điều mình có thể học được hay nhận được từ điều này”, Ng đưa ra quan điểm.
“Điều quan trọng là cách bạn mang đến sự đột phá và cải tiến cho thế giới. Nhưng bạn phải tự hỏi mình, đó có thực sự là thứ phù hợp với bạn không? Khởi nghiệp không dành cho tất cả mọi người”, Ng chia sẻ.
Anh cho biết cách tốt nhất để biết liệu nó có phù hợp với mình hay không là “làm việc chặt chẽ với người sáng lập” hoặc tham gia một công ty khởi nghiệp nhỏ để tìm hiểu mức độ khó khăn.
Theo anh, những người muốn khởi nghiệp đều nên dành thời gian để tìm hiểu điều này trước khi bắt đầu. Đối với Ng, động lực để anh tiếp tục kinh doanh là tạo ra sản phẩm mình thực sự yêu thích và đem lại sự tiện dụng cho khách hàng.
“Mọi thứ bắt nguồn từ niềm đam mê của tôi. Tôi là người sáng tạo và bằng cách điều hành Casetify, tôi có thể xây dựng một thương hiệu mà tôi hy vọng sẽ gây được tiếng vang”, Ng chia sẻ.
Nguồn: CNBC