A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Diễn đàn phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018

Các đại biểu tham dự “Diễn đàn phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018” đều nhất trí rằng, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện bức tranh kinh tế và đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo.

Các diễn giả trao đổi tại Diễn đàn 

“Diễn đàn phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 18/6, tại Hà Nội. Đây cũng là năm thứ hai tổ chức diễn đàn này kể từ năm 2017.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã tác động hiệu quả

Tại Diễn đàn, TS Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thông báo, với quyết tâm của Chính phủ trong xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đổi mới sáng tạo, liêm chính và vì nhân dân, vì doanh nghiệp phục vụ, trong thời gian qua, nhìn từ góc độ của quản lý đăng ký kinh doanh, môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta đã có nhiều khởi sắc với một số biểu hiện cụ thể: quy trình khởi sự kinh doanh tiếp tục được đơn giản hóa, năm 2017 đến nay, quy trình này bao gồm 8 bước và được hoàn thành trong khoảng 12 ngày làm việc, giảm 12 ngày so với năm 2016. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp tối đa là 3 ngày làm việc nhưng thực tế, theo thống kê của Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp là 2,36 ngày làm việc trong đó có trên 40 tỉnh thực hiện dưới 2 ngày. Theo Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới, xét về thời gian thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ sau Singapore (0,5 ngày) và Thái Lan (2,5 ngày).

Tính đến ngày 30/5/2018, tỷ lệ đăng ký hồ sơ qua mạng điện tử của cả nước đạt 58,44% đồng thời lệ phí đăng ký doanh nghiệp giảm 50% so với quy định trước đây, từ 200.000 đồng xuống còn 100.000 đồng và miễn 100% nếu doanh nghiệp đăng ký qua mạng điện tử.

Đồng quan điểm với những nét khởi sắc kinh tế trong năm 2017, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thông tin thêm, năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với 2016, môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng điểm và có cải thiện mạnh mẽ.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nền kinh tế có những điểm sáng tích cực với chuyển biến khá hiệu quả: số lượng doanh nghiệp thành lập cao kỷ lục, cải cách hành chính, chống tham nhũng có bước tiến, các chi phí không chính thức giảm, chất lượng điều hành PCI được cải thiện, niềm tin kinh doanh gia tăng…

Tuy nhiên, như chia sẻ của TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và thương hiệu cạnh tranh, nền kinh tế vẫn có thách thức đòi hỏi các chính sách và sâu sát và thiết thực hơn. Phân tích của Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu cho thấy, hiện, Việt Nam còn 3 thách thức trong phát triển kinh tế bao gồm: thách thức về mặt thời gian để hoàn thành yêu cầu về cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thách thức về các chi phí tuân thủ, các rủi ro pháp lý của doanh nghiệp cũng như thách thức về việc nhận thức rõ chiến lược cải thiện hay cải cách đột phá, từ đó, có đường hướng phát triển kinh tế tăng trưởng mạnh, bền vững, ổn định.

 Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo

Diễn đàn tạo ra một dịp thảo luận đa chiều, định hướng cho doanh nghiệp Việt phát triển bền vững hơn 

Liên quan tới hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, bà Phan Hoàng Lan - Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học, công nghệ cho biết, ở Việt Nam hiện nay có khoảng 3.000 các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 40 vườn ươm và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, năm 2017 có 92 thương vụ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo với trị giá 291 triệu USD, tăng so với 2016 chỉ có 50 thương vụ với trị giá 205 triệu USD. Tuy nhiên, giá trị đầu tư vào Việt Nam thấp so với khu vực…

Ông Nguyễn Quân đến từ Hội tự động hóa Việt Nam chỉ rõ, hiện nay ở Việt Nam, phong trào khởi nghiệp còn nhiều khó khăn do hệ sinh thái khởi nghiệp chưa hoàn chỉnh, đặc biệt gần như còn thiếu hai thành phần quan trọng là các quỹ đầu tư mạo hiểm và các cơ sở dịch vụ mạnh. Về lĩnh vực này, có thể tham khảo kinh nghiệm phát triển của Isarel, Hàn Quốc, Singapore…

Ông Quân cho rằng, cần tạo dựng một quốc gia khởi nghiệp dựa trên nguồn tài nguyên chất xám – trí tuệ theo hướng đẩy mạnh, khích lệ sự hình thành các doanh nghiệp dựa trên trí tuệ. Ở đây, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là giải pháp thích hợp để tăng tốc phát triển đất nước trong giai đoạn phát triển sắp tới. Tuy nhiên, để làm được điều này còn rất nhiều việc phải làm, với một tinh thần rất quyết liệt, và tập trung cao độ mà việc đầu tiên đó chính là tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cho khởi nghiệp và tạo dựng các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp, ngay từ bây giờ, việc đầu tiên cần làm là thí điểm cho ra đời và vận hành quỹ đầu tư mạo hiểm sử dụng ngân sách nhà nước, thí điểm xây dựng một trường đại học khởi nghiệp (mô hình liên kết cung-cầu và thương mại hóa tài sản trí tuệ), để tiến tới xây dựng một thành phố khởi nghiệp và trong tương lai không xa hy vọng Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia khởi nghiệp.

Đại diện đến từ VCCI, TS Lương Minh Huân, Viện Phát triển doanh nghiệp cho rằng, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc ổn định kinh tế vĩ mô, gỡ bỏ rào cản  nhằm tạo thêm lòng tin cho người làm kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp; xây dựng các chương trình hỗ trợ, khuyến khích phát triển khởi nghiệp có định hướng trong những lĩnh vực ưu tiên, đề cao tính đổi mới sáng tạo và tính quốc tế cao hơn; nhất là cần cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và phát triển kinh doanh ở Việt Nam.

Bà Phan Hoàng Lan đề xuất, cần nâng cao năng lực, liên kết hoạt động của các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp theo hướng: tăng cường hỗ trợ các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp; triển khai cơ sở ươm tạo, khu vực làm việc chung cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như phát triển khởi nghiệp sáng tạo dựa trên các mũi nhọn dựa vào lợi thế cạnh tranh địa phương và vùng, tăng tính đổi mới sáng tạo, khuyến khích áp dụng công nghệ mới, công nghệ 4.0 theo xu hướng quốc tế, đáp ứng được yêu cầu có khả năng mở rộng ra thị trường quốc tế…/.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan