A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Các chính sách của ngành Ngân hàng thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào sự hồi phục và phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

 

Kể từ cuối tháng 4/2021, Việt Nam đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 theo chiều hướng phức tạp, nhiều thách thức với các ổ dịch tại nhiều địa phương, tập trung ở một số khu công nghiệp, có tốc độ lây lan nhanh. Theo các chuyên gia, đợt dịch lần này có mức độ nguy hiểm hơn và tác động tiêu cực mạnh hơn tới cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Phần lớn các doanh nghiệp chưa kịp khắc phục với những làn sóng trước đã lại phải đương đầu với thách thức mới. Các gói hỗ trợ của Chính phủ liên tục được ban hành và bổ sung phù hợp với tình hình thực tế. Và theo các doanh nghiệp, những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành đã kịp thời và tích cực giúp các doanh nghiệp khắc phục được những khó khăn.

Trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp không thể trụ vững và phải rút lui khỏi thị trường. Theo đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Cụ thể, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 5 tháng năm 2021 là 59.820 doanh nghiệp, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 31.818 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 53,2% tổng số. Phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và đã giải thể, chấm dứt tồn tại là những doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài.

nang cao hieu qua chinh sach ho tro doanh nghiep
Các chính sách hỗ trợ đã mang lại hiệu quả lớn cho cộng đồng doanh nghiệp

Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều mong muốn Chính phủ kịp thời đưa ra các quyết sách phù hợp nhằm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong thời gian vừa qua các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đưa ra tương đối đồng bộ, toàn diện. Các gói hỗ trợ về tài khoá, chính sách thuế, gói hỗ trợ tín dụng, gói hỗ trợ an sinh xã hội tiền lương, nhà ở… đã mang lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, các biện pháp thực hiện còn không ít hạn chế. Để khắc phục, các biện pháp hỗ trợ cần phải triển khai mạnh mẽ, có tiêu chí dễ dàng hơn, thực sự thiết thực cho doanh nghiệp. Đồng thời cần xây dựng kịch bản diễn biến của thị trường để giúp doanh nghiệp chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong mọi tình huống để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh.

Trước tình hình mới, Chính phủ xác định việc phòng dịch vẫn là yếu tố cơ bản, quyết định. Tất cả các bộ, ngành đều tích cực vào cuộc hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan. Theo NHNN, các chính sách của ngành Ngân hàng thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào sự hồi phục và phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Theo đó các NHTM cũng đã từng bước cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay đưa ra các gói cho vay lãi suất ưu đãi dành riêng cho các doanh nghiệp.

Theo đại diện Agribank, với tinh thần vừa ứng phó với diễn biến dịch Covid-19 vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ kép, Agribank đã tiên phong 7 lần giảm lãi suất cho vay, đồng thời triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5% - 2,5% so trước khi có dịch Covid-19 để đáp ứng nhu cầu của từng nhóm đối tượng khách hàng, nhất là khách hàng doanh nghiệp. Đối với các khách hàng doanh nghiệp lớn, Agribank thiết kế chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô lên tới 35 nghìn tỷ đồng. Thời hạn cho vay cũng khá đa dạng cả ngắn hạn, trung và dài hạn bằng VND, giúp cho doanh nghiệp có nhiều lựa chọn. Với khách hàng DNNVV, Agribank cũng dành gói tín dụng ưu đãi với quy mô tương đối lớn 30 nghìn tỷ đồng. Lãi suất của gói tín dụng này chỉ là 4,8%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 7,5%/năm đối với cho vay trung, dài hạn.

VietinBank là một trong các ngân hàng tích cực trong việc vừa chống dịch, vừa hỗ trợ các doanh nghiệp thời gian qua. Mới đây nhất, Ban Lãnh đạo VietinBank đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với gần 200 điểm cầu trong và ngoài nước trên toàn hệ thống VietinBank nhằm quán triệt triển khai phòng ngừa dịch Covid-19 và thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN về cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn lãi vay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo đó VietinBank tiếp tục thúc đẩy hoạt động kinh doanh; kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, vừa thúc đẩy phát triển hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế; chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19, nhất là lực lượng DNNVV. Với mong muốn trở thành một đối tác phát triển bền vững đối với cộng đồng doanh nghiệp, VietinBank triển khai Gói ưu đãi VietinBank SME Stronger 2021 - Sung sức vươn xa, nhằm tiếp tục gia tăng những ưu đãi, sản phẩm, chương trình hữu ích đến với phân khúc khách hàng DNNVV. Trong đó cung cấp các mức lãi suất ưu đãi, miễn phí và các mức giảm phí hấp dẫn thể hiện sự đồng hành của ngân hàng với doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh. Cung cấp các ưu đãi về chính sách cho khách hàng DNNVV dựa trên đặc điểm, đặc thù của ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh và mối liên hệ của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng/ phân phối…

Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành đang mang lại hiệu quả thiết thực dành cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp tiếp cận được một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất vẫn cần tăng cường trách nhiệm thực thi.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme cho biết, việc kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ đã mang lại hiệu quả lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là DNNVV trong việc phục hồi và phát triển sản xuất. Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng những chính sách hỗ trợ cần tiếp tục được triển khai mạnh mẽ trong giai đoạn tới bởi từ nay đến cuối năm 2021 sẽ rất khó khăn khi dịch bùng phát mạnh ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là chính sách về giảm thuế, phí, lãi suất, nguồn vốn…

Đồng thời, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần trực tiếp đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp góp phần tìm ra được tiếng nói chung trong thúc đẩy hiệu quả thực thi chính sách. Qua đó nâng cao tính hữu ích và để các chính sách hỗ trợ nhanh đi vào cuộc sống.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/nang-cao-hieu-qua-chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-115232.html


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan