A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi mới cơ chế, chính sách: Tạo sóng đầu tư vào khoa học và công nghệ

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ có những tác động hết sức mạnh mẽ tới nền sản xuất của mỗi quốc gia, doanh nghiệp, cùng với ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, quá trình ứng dụng các công nghệ mới, chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Theo đó, cần đổi mới các chính sách, cơ chế khuyến khích tài chính cho doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ.

Mức độ sẵn sàng với sản xuất thông minh thấp

Tại Hội thảo quốc gia “Giải pháp khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế - xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững” do Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp và Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên tổ chức mới đây, TS. Trịnh Minh Tâm - Phó Viện trưởng Viện Đánh giá Khoa học và Định giá Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành một số chính sách về quản lý và phát triển công nghệ như: Luật KH&CN năm 2013, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030, các Quỹ đổi mới công nghệ, Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp…

Đổi mới cơ chế, chính sách: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ

Bà Kiều Nguyễn Việt Hà, đại diện Vụ KH&CN, Bộ Công Thương báo cáo tại hội thảo

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đóng góp quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động nâng lên rõ rệt. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng tăng từ 33,6% giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020, tính chung 10 năm 2011-2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%). Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020.

Đáng chú ý, theo TS. Trịnh Minh Tâm, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2020 đứng thứ 42 trên 131 quốc gia. So với năm 2019, chỉ số về các sản phẩm sáng tạo tăng 9 bậc; chỉ số hợp tác viện trường, doanh nghiệp tăng 10 bậc… Tuy nhiên, theo một khảo sát, mới có 18% doanh nghiệp chi nghiên cứu và phát triển (R&D), 82% không chi cho R&D; 59% các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn quản lý, 41% các doanh nghiệp không áp dụng các tiêu chuẩn quản lý…

Bà Kiều Nguyễn Việt Hà - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Vụ KH&CN, Bộ Công Thương cho biết, trong giai đoạn 2011-2020, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai 9 Chương trình KH&CN quốc gia; 2 Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Bộ; 1 Đề án ứng dụng KH&CN trong tái cơ cấu ngành Công Thương. Qua đó, đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ việc hoàn thiện chính sách quản lý và phát triển của ngành.

Đồng thời, kết quả nghiên cứu được ứng dụng, mang lại hiệu quả tích cực cho việc nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp như: Dầu khí, khai thác - chế biến khoáng sản, năng lượng, cơ khí chế tạo, hóa dược, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường. Một số công trình nghiên cứu khẳng định vị thế về khoa học và công nghệ trong khu vực.

Bên cạnh đó, trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, Bộ Công Thương đã xây dựng Kế hoạch triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg; hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đánh giá mức độ sẵn sàng, tư vấn phương án chuyển đổi số; xây dựng các mô hình về ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong các ngành: Cơ khí, điện tử, nhựa, bia-rượu nước giải khát…

Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực; máy móc thiết bị trong doanh nghiệp chủ yếu do con người điều khiển, tự động hóa ở mức thấp; tỷ lệ tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như mức độ sẵn sàng với sản xuất thông minh của doanh nghiệp còn hạn chế.

Ngoài ra, hệ sinh thái về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp; thiếu kết nối và các mô hình hợp tác hiệu quả giữa tổ chức khoa học và công nghệ - trường đại học - doanh nghiêp; thiếu kết nối giữa tư vấn phát triển sản xuất công nghiệp và tư vấn chuyển đổi số; thiếu bộ công cụ và tiêu chuẩn hỗ trợ doanh nghiệp; thông tin về công nghệ và hoạt động chuyển giao công nghệ hạn chế…

Cần chính sách phù hợp cho các nhóm đối tượng

KH&CN góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở phạm vi quốc gia, ngành và doanh nghiệp. Ở tầm vĩ mô, sự phát triển của KH&CN có tác động quyết định đối với tăng trưởng dài hạn và chất lượng tăng trưởng thông qua tác động đến tổng cung và tổng cầu, các sản phẩm KH&CN đóng góp trực tiếp vào GDP. Ở phạm vi doanh nghiệp, KH&CN góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và của doanh nghiệp. Một quốc gia có tiềm lực khoa học và công nghệ là quốc gia có sức cạnh tranh quốc tế cao.

Đổi mới cơ chế, chính sách: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ
Cần hoàn thiện cơ chế pháp lý giúp doanh nghiệp thực hiện chuyển giao công nghệ thuận lợi

Đưa ra các định hướng và giải pháp để thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, TS. Trịnh Minh Tâm cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế pháp lý giúp doanh nghiệp thực hiện chuyển giao công nghệ thuận lợi và đạt hiệu quả cao; tạo cơ chế gắn kết thực sự giữa doanh nghiệp và các tổ chức R&D.

Đồng thời, khuyến khích hình thành các tổ chức cung cấp dịch vụ và thông tin công nghệ; gắn hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nâng cao chất lượng thẩm định các dự án đổi mới công nghệ; xây dựng hệ thống thông tin về thị trường khoa học và công nghệ trong và ngoài nước; sớm hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm; khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản phẩm.

Về vấn đề này, bà Kiều Nguyễn Việt Hà nêu, cần có chính sách/chương trình phù hợp cho các nhóm đối tượng ở trình độ phát triển, năng lực hấp thụ công nghệ khác nhau. Cụ thể, đối với nhóm không có năng lực công nghệ, cần xây dựng một phần năng lực trong doanh nghiệp, từ đó khởi phát quá trình học hỏi và phát triển. Đối với nhóm có năng lực công nghệ tối thiểu, cần tăng cường sự quan tâm và nhu cầu đầu tư cho KH&CN; cung cấp phương thức tăng cường năng lực nội bộ; kết nối thông tin bên ngoài.

Đối với nhóm doanh nghiệp công nghệ, cần thúc đẩy hợp tác nghiên cứu với các viện nghiên cứu, trường đại học sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Còn đối với nhóm có năng lực công nghệ, tăng cường khả năng tiếp cận các mạng lưới tri thức và các đơn vị cung cấp tri thức.

Một giải pháp khác được đại diện Vụ KH&CN đưa ra là đổi mới các chính sách, cơ chế khuyến khích tài chính cho doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN. Thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài và các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam

Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai các Chương trình KH&CN trọng điểm gắn phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên và yêu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp. Phát triển hệ sinh thái phục vụ hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, kết nối viện, trường.

Quỳnh Nga - Hoa Quỳnh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan